Diễn biến trầm lắng của thị trường chứng khoán trong phiên này diễn ra sau khi chứng kiến đợt tăng mạnh vào tuần trước, được thúc đẩy bởi sự khởi động tích cực của mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý III/2021. Tuy nhiên, đà tăng liên tục của giá dầu, với giá dầu WTI chạm mức cao nhất trong bảy năm và giá dầu Brent ở mức cao nhất trong ba năm, đã khiến sự chú ý về "mối đe dọa" lạm phát quay trở lại.
Dữ liệu hồi tuần trước cho thấy, giá sản xuất tại cửa nhà máy của Trung Quốc trong tháng Chín vừa qua đứng ở mức cao nhất trong 25 năm qua, trong khi lạm phát giá bán buôn của Mỹ đạt mức cao kỷ lục. Ngày 18/10, New Zealand cho biết giá cả hàng hóa tại nước này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ qua. Điều đó đã làm gia tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ nới lỏng được áp dụng vào đầu đại dịch COVID-19, vốn là chìa khóa cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế và thị trường cổ phiếu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu dừng chương trình mua trái phiếu trước cuối năm nay và một số nhà quan sát cho rằng nó có thể nâng lãi suất có thể trước năm 2023.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 43,17 điểm (0,15%), xuống 29.025,46 điểm. Các nhà đầu tư thận trọng hơn sau khi chỉ số Nikkei có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong hai tuần, song lại đảo chiều đi xuống do lo ngại về tác động của giá dầu tăng đối với chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.
Tại Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng mất 8,38 điểm (0,28%), xuống 3.006,68 điểm, dứt chuỗi ba phiên đi lên liên tiếp, do xu hướng bán tháo chốt lời của nhà đầu tư. Dẫn dắt đà giảm của thị trường này trong phiên 18/10 là nhóm các cổ phiếu ngành dược phẩm, nông nghiệp, thủy sản…
Còn ở thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia lại tăng 0,3%, lên 7.381,10 điểm.
Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng biến động ngược chiều nhau sau báo cáo về tăng trưởng kinh tế quý III của nước này. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18/10, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý III/2021 giảm tốc mạnh hơn dự kiến, khi lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn do các biện pháp chính sách thắt chặt hơn và nguy cơ của một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Sau khi phục hồi nhanh sau những tác động của đại dịch, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất động lực, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,9% đạt được trong quý trước. Theo NBS, những yếu tố không chắc chắn trong kinh tế toàn cầu hiện nay đang gia tăng và đà phục hồi kinh tế trong nước không đồng đều và không ổn định.
Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tăng 78,79 điểm (0,31%), lên 25.409,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite lại hạ 4,23 điểm (0,12%), xuống 3.568,14 điểm.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 18/10, chỉ số VN - Index tăng 2,83 điểm lên 1.395,53 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 0,04 điểm, lên 384,88 điểm.
Chứng khoán châu Á phiên 18/10 biến động trái chiều
18/10/2021 18:01:09
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần 18/10, khi những lo ngại về lạm phát quay trở lại, còn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc đã củng cố thêm mối quan ngại về sự phục hồi chậm của nước này.