Tại sự kiện do tập đoàn Đèo Cả tổ chức ngày 1/11, bên cạnh sự tham dự của đông đảo giới đầu tư còn có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo địa phương như Cao Bằng, Lâm Đồng… nơi có các dự án trọng điểm mà Đèo Cả đang và sắp triển khai. Trong đó, phần chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về 2 dự án cao tốc thành phần Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương gây được sự chú ý.
“Lâm Đồng và TP.HCM là cực tăng trưởng kinh tế, kết nối với trung tâm kinh tế lớn của đất nước với một vùng đất không cần phải ca ngợi nữa. Không đi Lâm Đồng, không đi Đà Lạt thì chúng ta đi đâu? Nhưng lên Đà Lạt, không thể lãng phí thời gian, lãng phí về mặt vật chất, đoạn đường chỉ có 300km mà mất tới 6-7 tiếng đồng hồ. Tôi không có ý phê phán ai, nhưng ba nhiệm kỳ không làm được, tới nhiệm kỳ của chúng tôi, phải quyết tâm làm cho bằng được đường cao tốc", Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp mở đầu phần chia sẻ của mình.
Tại sự kiện, ông Hiệp cho biết, bản thân ông và các lãnh đạo tỉnh không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về làm cao tốc nên phải đi học hỏi. Và ông đã đi Cao Bằng- một địa phương nghèo nhưng đã quyết tâm làm cao tốc - để học hỏi lãnh đạo tỉnh này. Và ông Hiệp cho biết, với nguồn lực của địa phương, nếu không có gì thay đổi, dự kiến tháng 4 năm sau Lâm Đồng có thể khởi công làm cao tốc.
Ông Hiệp khẳng định, địa phương hoàn toàn tự tin có đủ tiềm lực để thực hiện 2 dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
"Vừa rồi báo chí nghi ngờ Lâm Đồng viển vông, khó làm được cao tốc. Viển vông thế nào được, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua ngân sách 4.500 tỷ, là tiền thực rồi”, ông Hiệp nói.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh thông tin, hiện tỉnh đã chuẩn bị khoảng 6.500 tỷ đồng vốn. Trong đó vốn của Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng và ngân sách của tỉnh 4.500 tỷ đồng. Vốn của nhà đầu tư đã thu xếp 1.600 tỷ đồng... Ngân hàng Nam Á cam kết tín dụng 9.000 tỷ trong vòng 3 năm, BIDV cũng hỗ trợ 2.000tỷ.
“Cơ sở về tài chính là đủ sức để đường cao tốc trở thành hiện thực, chứ không phải viển vông. Lâm Đồng có điều kiện hơn Cao Bằng. Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng thu ngân sách 13.500 tỷ đồng. Dự kiến năm 2023 phấn đấu thu 14.500 tỷ. Như vậy, chúng tôi đủ sức tập trung cho xây dựng đường cao tốc”, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng khẳng định.
Không chỉ hạ tầng cao tốc, lãnh đạo tỉnh còn đề cập tới việc cần thiết đầu tư nâng cấp cho sân bay Liên Khương.
“Cả tỉnh Lâm Đồng hiện mới có 19km đường cao tốc từ sân bay Liên Khương về Đà Lạt. Trong khi đó, sân bay Liên Khương đến thời điểm này cũng hết công suất, với 3 triệu hành khách/năm, vượt công suất tiêu chuẩn 1 triệu hành khách. Hiện Liên Khương là sân bay 4D, sắp tới lên 4E. Hiện nay, sân bay Liên Khương chỉ cho hạ cánh loại máy bay Airbus A321, còn A350 và Boeing Dreamliner chưa hạ cánh được, do đường bay chưa đủ chuẩn. Vì vậy, cần tiếp tục đầu tư cho sân bay Liên Khương trong thời gian tới", ông Hiệp đề cập.
Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là 2 tuyến cao tốc nối liền đi qua các địa phương gồm Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km. Đây là các dự án thành phần của tuyến cao tốc 200 km Dầu Giây - Liên Khương kết nối 2 tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng và TP.HCM cũng như các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Trong đó, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km, trong đó 11 km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, 55 km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng. Tuyến đường có vận tốc thiết kế 80 km/giờ; giai đoạn phân kỳ, bố trí chiều rộng nền đường 17m với 4 làn xe ô tô. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 17.200 tỷ đồng.
Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tiếp nối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, có chiều dài khoảng 74 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư là 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng.