Chủ tịch nước Lương Cường thăm Chile: Củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Chile

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font, hôm nay (8/11) Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Chile từ ngày 9/11 đến ngày 12/11.
chu-tich-nuoc-luong-cuong-tham-chi-le-4-1731029549.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường. (Ảnh TTXVN)

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam đến Chile trong vòng 15 năm qua, qua đó giúp tạo động lực mới, thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Chile tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực hiệu quả. Đồng thời chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tâm đối ngoại đa phương theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Ngày 25/3/1971, Chile thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Tuy cách xa nhau về địa lý nhưng Việt Nam và Chile có quan hệ tốt đẹp, dựa trên nền tảng lịch sử đặc biệt. Trong thời kỳ Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh ở Chile. Khi cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn vô cùng quyết liệt, Chile trở thành quốc gia thứ hai ở Nam Mỹ, sau Cuba, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự kiện đó mở ra trang mới cho lịch sử quan hệ Việt Nam - Chile.

chu-tich-nuoc-luong-cuong-tham-chi-le-2-1731029533.jpg
Quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ Chile.

Năm 1990, Việt Nam và Chile chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Kể từ đó cho đến nay, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước đã gặt hái những thành tựu rất đáng ghi nhận. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, ngành, nổi bật là các chuyến thăm Chile của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2007), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004) và Nguyễn Minh Triết (9/2009), Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (10/2002),… Phía Chile có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ricardo Lagos (10/2003), Tổng thống Michelle Bachelet (11/2006 và 11/2017), Tổng thống Sebastian Pinera (3/2012).

chu-tich-nuoc-luong-cuong-tham-chi-le-3-1731029608.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Chile Alberto Van Klaveren trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25 - 27/8/2024.(Ảnh: chinhphu.vn)

Trong suốt những năm qua, Việt Nam và Chile đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác giữa hai nước trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo… Trong đó hai bên đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong hợp tác như thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện (năm 2007); ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương (năm 2011); thiết lập nhiều cơ chế hợp tác; cùng nhau gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (năm 2018)…; tổ chức nhiều đoàn cấp cao thăm lẫn nhau trên nền tảng của sự tin cậy và quyết tâm làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương của hai nước.

chu-tich-nuoc-luong-cuong-tham-chi-le-5-1731029637.jpg
Peru đã chuẩn bị sẵn sàng cho các sự kiện quan trọng của APEC 2024. (Ảnh: APEC Peru 2024)

Theo thông cáo ngày 6/11 của Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ thăm chính thức Chile từ ngày 9 đến 12/11. Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam sau đó thăm chính thức Peru, dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 từ ngày 12 đến 16/11.

Hai chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Tổng thống Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra. APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, là nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 77% thương mại, 81% đầu tư trực tiếp nước ngoài và 85% lượng khách du lịch vào Việt Nam./.

Sự kiện "có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương"

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile từ ngày 09 đến ngày 12/11/2024; thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru từ ngày 12 đến ngày 16/11/2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, đây là sự kiện "có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương".

Với Chile, đây là chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm, vào dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende. Sự kiện này đã đặt nền móng cho việc Chile trở thành nước đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trên nền tảng đó, quan hệ Việt Nam - Chile đã và đang phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực thương mại.

Đối với Peru, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. "Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới", thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.

Hiện Peru là nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin, là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN.

Bên cạnh đó, việc tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru là dịp để Chủ tịch nước Lương Cường gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo APEC, trong đó có nhiều Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược của Việt Nam, góp phần không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các thành viên APEC.

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới", thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.

Hiện Peru là nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin, là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN.

Bên cạnh đó, việc tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru là dịp để Chủ tịch nước Lương Cường gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo APEC, trong đó có nhiều Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược của Việt Nam, góp phần không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các thành viên APEC.

PV (Tổng hợp)