Chủ nhân của những cây quất rồng là ông Trương Ngọc Xuân (một nhà vườn ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Được biết ông Xuân đã lên ý tưởng tạo những bonsai quất độc lạ từ nhiều năm trước nhưng thời điểm năm Giám Thìn mới đưa ra thị trường.
Gắn bó với nghề trồng cây cảnh đã lâu, đặc biệt là quất cảnh Tết, ông Trương Ngọc Xuân ấp ủ ý tưởng làm những con rồng bằng cây quất từ nhiều năm trước. Tết Giáp Thìn 2024 đến gần cũng là lúc ông Xuân từng bước biến ý tưởng này thành hiện thực.
Những cây quất tạo hình rồng được tuyển chọn kỹ lưỡng, đưa vào chế độ chăm sóc đặc biệt từ đầu năm Quý Mão (2023). Đến giữa năm 2023, cây bắt đầu được cho lên bình, tiến hành vào khuôn để hoàn thiện tạo sáng sản phẩm.
Tại khu trưng bày cây cảnh của ông Xuân, cặp cây dáng rồng cuốn (rồng dáng đứng) có độ cao khoảng 2,5m, được tạo hình từ 3 cây quất mỗi chậu. Quất được chọn để uốn tạo hình là những cây có độ tuổi từ 2-3 năm, đã cứng, có sức sống tốt.
Ông Xuân tiết lộ, "Rồng cưỡi mây, đùa nước" và “Long Vân Thủy” là tên hai tác phẩm rồng lượn (nằm ngang) ông tạo hình từ 12 cây quất dài 3m, cao 1m. Sau công đoạn uốn nắn, để tạo hình quất giống rồng nhất, sản phẩm này được trang trí thêm vảy, râu và mắt để có hồn hơn.
“Rồng là loài vật đứng đầu trong tứ linh, mang trong mình sức mạnh và quyền lực, phú quý và thịnh vượng. Sau khi tham khảo các hình tượng rồng Việt Nam tại các đình, nhà thờ cổ, tôi đã tạo ra những con rồng bằng quất với ý nghĩa mang lại tài lộc, may mắn nhân dịp năm mới. Mất khoảng 3 tháng mới xong”, ông Xuân chia sẻ.
Theo ông Xuân, quá trình uốn dáng, chăm sóc đều phải luôn tỉ mỉ để cây cho ra nhiều nhánh, quả và lên dáng đẹp nhất. Hiện tại, hai cây quất rồng đã hoàn thành. Việc cắt tỉa cành giúp cây đón được nhiều ánh sáng, tập trung chất dinh dưỡng, kích thích lá mọc ra nhiều hơn, luôn xanh tốt vào dịp Tết.
Đối với cặp rồng cuốn dáng đứng, ông Xuân sử dụng 6 cây quất ta để tạo dáng. Còn đối với cặp rồng quất “long vân thủy”, ông Xuân dùng hết 12 cây quất được tuyển chọn kỹ càng. Mỗi con rồng này sử dụng hết 6 cây, được trồng trong 2 bình lớn đóng vai trò như 2 cụm chân của rồng.
Nói về giá thị trường của những cây cảnh “vô tiền khoáng hậu" do chính mình tạo ra, ông Xuân cho biết ông làm ra 2 cặp rồng này vì niềm yêu thích, đam mê với cây cảnh nói chung và đặc biệt là với quất nói riêng.
“Lúc làm chúng tôi không nghĩ đến việc sẽ bán chúng và bán với giá bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu gặp khách tâm huyết, tác phẩm của tôi được đưa về bài trí ở một vị trí xứng đáng thì tôi cũng sẵn lòng trao chúng cho chủ mới. Mặc dù vậy, tôi nhấn mạnh rằng tôi không làm những cặp rồng này với mục đích kinh tế", ông Xuân nói./.