Khiến đất mặn "nở hoa"
Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, diện tích nuôi tôm lớn nên đất canh tác phần lớn bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn có những cách làm hay, để trồng hoa màu hiệu quả trên đất mặn.
Đã 3 năm nay, ông Du Vĩnh Lộc (ấp Xóm Lung, xã Định Bình, TP Cà Mau) trồng đậu rồng quanh nhà và trên bờ bao vuông tôm. Đậu rồng được gia đình ông Lộc xem là giống cây giảm nghèo. Bởi, nhà ông ít đất nuôi tôm nên nhiều năm liền kinh tế gia đình không phát triển, nhờ thực hiện trồng đậu rồng trên diện tích khoảng 1.000 m2 mà mỗi năm gia đình có thêm nguồn thu khoảng 45 triệu đồng.
Ông Lộc cho biết, trồng màu trên đất nhiễm mặn ban đầu năng suất không cao nhưng trồng lâu ngày rửa được mặn, thêm vào đó chọn những loại cây chịu được đất cằn cỗi như đậu rồng thì vẫn cho năng suất tốt.
Cũng là địa bàn có nhiều diện tích đất nhiễm mặn, một số hộ dân ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã sáng tạo ra cách khắc phục đất mặn, trồng dưa đạt hiệu quả cao hơn.
Điển hình là vườn dưa hấu của gia đình ông Huỳnh Hoàng Anh (ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú) đang lên tươi tốt. Ông trồng loại dưa hấu tròn, trái lớn để phục vụ người dân địa phương mua về trưng Tết. Từ việc trái non đậu với tỷ lệ cao, thời tiết thuận lợi, ông Hoàng Anh ước giá dưa từ 10.000 đồng/kg trở lên thì vụ dưa này gia đình sẽ có nguồn thu hàng chục triệu đồng để ăn Tết.
Vụ dưa hấu năm nay của gia đình ông Huỳnh Hoàng Anh thuận lợi hơn năm ngoái. Năm nay, ông tự tin tăng gấp đôi diện tích trồng dưa hấu, lên khoảng 2.000m2, bởi năm ngoái đã thí điểm thành công cách dùng bạt đầm nuôi tôm siêu thâm canh, trữ nước tưới để đạt hiệu quả cao. Ông Anh dự tính sẽ thu về khoảng 5 tấn dưa bán trong dịp tết.
Trồng dưa trên đất mặn dễ làm dễ nhân rộng
Để trồng thành công hoa màu trên đất mặn, người dân đã tìm tòi sáng tạo ra những phương pháp canh tác thông minh. Những giải pháp tuy đơn giản nhưng đó là sự tích lũy kinh nghiệm hàng chục năm lăn lộn trên đồng đất.
Chẳng hạn, với cách trồng dưa hấu trên đất mặn của ông làm của ông Huỳnh Hoàng Anh khá đơn giản. Ông cho biết, trung bình cứ 3m ông xẻ một mương chạy dọc theo chiều dài ruộng dưa hấu, với bề ngang 0,7m và độ sâu 0,5m. Sau đó, ông tận dụng bạt người dân nuôi tôm siêu thâm canh không còn sử dụng, trải dưới mương, rồi bơm nước giếng khoan xuống để lắng đọng rồi mới lấy tưới dưa.
Không chỉ vậy, ông Hoàng Anh còn dùng màng phủ nông nghiệp trải trên mặt liếp, thay thế cho rơm rạ để trồng dưa. Từ đó, giúp ngăn ngừa cỏ dại và ứng phó với thời tiết cực đoan, mưa trái mùa.
Ông Hoàng Anh cho biết, kỹ thuật trồng dưa hấu không khó. Khó khăn lớn nhất với người trồng dưa ở địa phương là vùng đất nuôi tôm bị nhiễm mặn nên cần cải tạo đất kỹ và cần lượng nước ngọt lớn tưới, dưa mới phát triển tốt. Việc trải bạt trữ nước vừa giúp tiết kiệm, vừa giúp có nguồn nước chất lượng để tưới. Đặc biệt, chăm sóc cũng khỏe hơn rất nhiều. Người dân đi giữa mương là tưới được dưa hai bên, nhàn hơn so với tưới bằng thùng như trước đây.
Bởi dễ làm, chi phí thấp mà hiệu quả thiết thực nên nhiều nông dân đã ứng dụng phương thức canh tác này. Nhờ đó diện tích rau màu trên đất mặn ở Cà Mau ngày càng được mở rộng. Anh Nguyễn Văn Quân người dân địa phương đang sử dụng hình thức tương tự trồng dưa đánh giá: "Phương pháp này nhanh hơn, nhàn công lao động hơn nhiều. Dưa còn nhỏ thì ngày tưới lần, tới lúc dưỡng trái ngày phải tưới 2 lần. Trồng ở vùng nước mặn tới lúc trái lớn không thể tưới bằng thùng".
Toàn huyện Cái Nước, người dân xuống giống khoảng 30 ha dưa hấu đón Tết. Trong đó, tập trung nhiều tại xã Đông Thới. Với những cách làm sáng tạo như vậy người dân đang có vụ mùa thuận lợi.
Ông Lâm Hoàng Kiếm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thới cho biết: "Ở xã Đông Thới, bà con cũng cải tạo vườn tạp, bờ liếp trồng dưa phục vụ thị trường Tết. Lượng dưa năm nay phát triển rất tốt, với điều kiện này thì thu hoạch của bà con rất hứa hẹn; góp phần có thêm thu nhập, giúp bà con trang trải, mua sắm đón Tết giáp Thìn đầy đủ hơn".
Những người nông dân ở Cà Mau đang biến những khó khăn thành lợi thế nhờ trồng dưa trên đất mặn. Canh tác nông nghiệp thông minh, vừa tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nước nhưng vẫn gia tăng hiệu suất sử dụng đất giúp đa dạng nông sản và đem lại thu nhập cao cho nhà nông./.