Theo ghi nhận của Ngân hàng Vietcombank trong những ngày gần đây, tình trạng lừa đảo mạo danh sử dụng brandname ngân hàng đã xuất hiện trở lại.
Những mẫu tin nhắn này thường có nội dung thông báo rằng tài khoản của khách hàng “bị khóa” hoặc “đã đăng nhập ở một thiết bị khác”, đi kèm với đó là một đường link dẫn đến một website giả mạo, có giao diện y hệt website của ngân hàng.
Từ những webite này, người dùng rất dễ hiểu nhầm và có thể sẽ cung cấp cho kẻ xấu những thông tin đăng nhập quan trọng, từ đó bị chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng.
Vì đây là hình thức lừa đảo đã được các cơ quan báo chí, ngân hàng liên tục cảnh báo, các đối tượng lừa đảo đã liên tục thay đổi nội dung tin nhắn SMS giả mạo.
Trước đó Bộ Công an cũng đã cảnh báo một thủ đoạn lừa đảo vô cùng tinh vi khác. Cụ thể, thông qua câu chuyện cấp, xác thực tài khoản định danh điện tử, các đối tượng mạo danh là công an sẽ đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh (dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ, lọt trên mạng do nhiều nguyên nhân, khi các nạn nhân giao dịch trong công việc thường ngày) để yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào webstie giả mạo giao diện cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về số điện thoại...
Sau đó, đối tượng dùng những thông tin trên đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, momo, zalopay... của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan Công an cho biết, việc xác thực định danh điện tử, cơ quan công an chỉ thực hiện trực tiếp tại trụ sở và không yêu cầu công dân phải cung cấp thông tin gì qua điện thoại. Muốn cấp số định danh điện tử, người dân cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an để tiến hành theo đúng quy trình.
Cơ quan Công an cảnh báo, người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi "lạ" tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an mà cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP... cho họ, tránh sập bẫy lừa đảo của tội phạm.