Cẩn trọng với việc mua thực phẩm chức năng online

Không ít người tiêu dùng đặt mua online các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng chỉ dựa trên những lời quảng cáo của người bán mà không nắm rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn đến tình trạng may nhờ rủi chịu với các sản phẩm được cửa hàng rao bán online. 

Hiện nay, dễ dàng tìm thấy các thực phẩm chức năng với những lời ca ngợi “có cánh” trên nhiều trang mạng xã hội. Tiện lợi của loại hình kinh doanh online ai cũng thấy rõ, với người bán hàng vừa không mất tiền thuê mặt bằng, vừa tiếp cận được với rất nhiều khách hàng.

Còn người mua, họ sẽ có thể tham khảo rất nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn ở nhiều trang bán hàng khác nhau, không mất công sức tìm kiếm và chọn lựa trực tiếp trước khi đưa ra quyết định mua hay không. Nhưng với những kênh bán hàng online, đôi khi với kiểu giới thiệu lập lờ khiến người tiêu dùng khó có được sự chọn lựa đúng đắn.

thuc-pham-chuc-nang-1-1657247270.jpg

Ma trận thực phẩm chức năng bao vây người tiêu dùng - Ảnh minh họa

Những thông tin không chính xác về thực phẩm chức năng có thể khiến người dùng dùng thực phẩm chức năng thay thế cho nguồn dinh dưỡng từ những thực phẩm tự nhiên. Sự nguy hại còn lớn hơn nếu người tiêu dùng lấy thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh. Mua thực phẩm chức năng online, người tiêu dùng dường như không được đảm bảo quyền lợi dành cho mình.

Ngoài ra, tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, chat… đang diễn ra rầm rộ. Người mua, người bán lên đơn hàng với nhau qua những liên lạc trên và giao hàng qua đặt hàng online, bưu điện hoặc thuê người vận chuyển.

Với hình thức này, cá nhân hoặc tổ chức bán hàng không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, họ thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng sản xuất kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng thực phẩm chức năng đang khá phổ biến.

thanh-tra-my-pham-12-11-10-59-41-873-1657247421.jpg
Cơ quan chức năng đang kiểm tra các mặt hàng dược phẩm - Ảnh minh họa

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã bắt và xử lý nhiều vụ, thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh. Trong khi các cơ quan quản lý đang tích cực phối hợp xử lý. Người tiêu dùng cần cảnh giác với thủ đoạn trên.

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay trên một số trang mạng và trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định.

"Một số sản phẩm được chào bán như: Xương khớp; Sinh lý nam; Tiểu đường; Kích thích mọc tóc; Trị mất ngủ... Nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng. Nhân viên thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của tổ chức sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát", TS Phong nói rõ.

Theo Th.S Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thì việc bán thực phẩm chức năng giả, quảng cáo quá lên về tác dụng của các loại thực phẩm chức năng là hành vi lừa đảo người tiêu dùng. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan… thậm chí có sản phẩm quảng cáo phải dùng vài tháng mới có tác dụng, chính điều này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của người dân. Đây là hành động đáng bị lên án và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo được thực hiện trên Zalo, Google, Facebook, YouTube... tương tự như trường hợp kể trên. Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ, diễn viên... cũng tham gia quảng cáo quá mức về công dụng sản phẩm qua hình thức livestream. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video một cách tinh vi để quảng cáo sai sự thật.

Hiện, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương có biện pháp xử lý mạnh tay với cá nhân, doanh nghiệp có hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật trên Facebook, TikTok, Twitter, YouTube, Chrome... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp, chế tài mạnh với hành vi sai phạm trong giao dịch thương mại điện tử. Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Thy Nhân (t/h)