Căng mình giữ màu xanh trên rừng trong những ngày nắng đổ lửa ở Ninh Thuận

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 190.000 ha rừng và đất rừng, trong đó có trên 161.000 ha có rừng, tỉ lệ che phủ rừng đạt 47,25%. Trước tình hình nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua, từ ngày 2/4, cấp cảnh báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã nâng lên cấp IV. Những ngày này, lực lượng kiểm lâm và các cấp ngành liên quan căng mình bảo vệ rừng.
ninh-thuan-bao-ve-rung-01-1713144798.jpg
Những cánh rừng khộp đã rụng gần hết lá ở Ninh Thuận đối mặt với nguy cơ cháy rừng rất cao. (Ảnh minh họa)

Ăn ngủ trên rừng để giữ rừng

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Trần Ngọc Hiếu, cho biết: Ngay từ đầu mùa khô (từ tháng 12/2023 đến đầu năm 2024), ngành đã huy động lực lượng triển khai thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

Mấy tháng qua, tại huyện Bác Ái đã thành lập nhiều chốt bảo vệ rừng; chốt phòng cháy, chữa cháy rừng và được Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cử cán bộ, nhân viên tăng cường đủ 100% quân số, phối hợp với các tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng dựng lán trại, chuẩn bị dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng và đồng loạt ra quân phát quang, tạo các đường băng cản lửa,… sẵn sàng dập tắt đám cháy ngay khi phát hiện.

Từ đầu mùa khô, các thành viên Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng nhóm hộ 2, thôn Tà Lú, xã Phước Đại, huyện Bác Ái thường xuyên phân công thành viên đi tuần tra, kiểm soát việc ra, vào rừng của người dân, đồng thời chủ động các biện pháp phòng ngừa trên vùng rừng do tổ quản lý.

Tại huyện Thuận Nam, nắng nóng gay gắt hơn. Lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam cho biết, lớp thực bì dưới mặt đất ngày càng đóng dày hơn khi hầu hết cây rừng đã rụng hết lá. Đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường nhân viên trạm, cảnh sát cơ động, bộ đội biên phòng, kiểm lâm… liên tục phát dọn cỏ, cây bụi… đồng thời, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa và những hành vi dùng lửa khác để bảo đảm hiệu quả công tác phòng cháy rừng vào thời kỳ cao điểm của mùa khô năm nay.

ninh-thuan-bao-ve-rung-02-1713144786.jpg
Lực lượng kiểm lâm triển khai chuẩn bị các dụng cụ chữa cháy lưu động và tổ chức tuần tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến phức tạp của thời tiết để ứng phó kịp thời khi phát hiện xảy ra cháy rừng. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Minh Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh, Chi cục đã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện và Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện trực tiếp chỉ đạo việc phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương. Các đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm dễ cháy.

Bên cạnh đó, lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng. “Chi cục đã giao các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR tiếp nhận thông tin cấp dự báo cháy rừng cấp IV hiện nay để thông báo kịp thời cho các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện để chủ động, phối hợp triển khai phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ rừng báo cáo nhanh tình hình cháy rừng hàng ngày (trước 15 giờ) về Chi cục. Chủ động cập nhật tình hình thời tiết, kiểm tra thảm thực bì và thông tin, báo cáo để kịp thời điều chỉnh cấp dự báo cháy rừng”, ông Lê Minh Sang cho hay.

Đồng bộ vào cuộc giữ rừng và ngăn chặn phá rừng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh đã xảy ra bốn điểm cháy rừng, chủ yếu trong khu rừng tự nhiên. Tuy nhiên, nhờ chủ động trong công tác, nên khi phát hiện có điểm cháy, lực lượng chuyên trách cùng chủ rừng đã tiếp cận hiện trường và kịp thời dập lửa, nên thiệt hại ít.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã bố trí 107 điểm/500 người thường xuyên trực tại các trạm, chốt các cửa rừng, vừa triển khai các biện pháp phòng cháy vừa tổ chức 162 đợt kiểm tra, truy quét, đã phát hiện 22 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật,…

Lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, đồng thời vận động bà con ký cam kết không vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng… Qua đó, người dân ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ, phòng , chữa cháy rừng.

Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, các đơn vị chủ rừng, người dân sống gần rừng…thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại trang điện tử kiemlam.org.vn để nắm bắt tình hình và chủ động công tác phòng ngừa.

Cùng với đó, là sự phối hợp thông tin nhanh khi người dân phát hiện xảy ra cháy rừng cho Cục Kiểm lâm để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

ninh-thuan-bao-ve-rung-03-1713144879.jpg
Các lực lượng bảo vệ rừng ở Ninh Thuận triển khai phát quang, tạo các đường băng cản lửa trong rừng để hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy rừng. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến (huyện Bác Ái) cho biết, hiện công ty đang quản lý trên 23.600 ha rừng và đất rừng, trong đó chủ yếu là rừng khộp và rừng thông, đây là những loại rừng rất dễ xảy ra cháy trong mùa khô.

Do mấy tháng qua trên địa bàn không có mưa nên các cánh rừng đơn vị quản lý đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV và cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Trước tình hình này đơn vị đang căng mình triển khai các biện pháp PCCCR.

Theo ông Vũ, công ty đã cử lực lượng quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao cũng như khai thác lâm sản trái pháp luật. Tổ chức trực PCCCR tại các chốt bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, công ty phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, cử cán bộ đến từng hộ dân canh tác nông nghiệp đan xen trong đất lâm nghiệp ký và thực hiện cam kết không vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.

“Chúng tôi chủ động triển khai, phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, Hạt Kiểm lâm Bác Ái, chính quyền các xã Phước Hòa, Phước Tiến và Phước Tân để tuần tra, truy quét chống phá rừng và PCCCR trong lâm phần quản lý, nhất là các vùng rừng giáp ranh với 2 đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn huyện đó là Vườn quốc gia Phước Bình, Ban quản lý rừng phòng hộ liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu và vùng rừng giáp ranh với huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa”, ông Trần Anh Vũ cho biết./.

Bình Châu