Canada sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải và phát triển thị trường các bon

“Trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, việc định giá các bon và phát triển thị trường các bon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải và các chuyên gia phía Canada sẵn sàn làm việc với Việt Nam trong vấn đề này”.

Đây là một trong những nội dung được bà Catherine Steward - Đại sứ Biến đổi khí hậu Canada nhấn mạnh trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vào sáng 14/3.

ho-tro-giam-phat-thai-01-1710407159.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với Đại sứ Biến đổi khí hậu Canada Catherine Steward.

Canada tập trung vào giảm phát thải trong sản xuất và tăng cường năng suất

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Đại sứ Biến đổi khí hậu Canada Catherine Steward trao đổi về các nội dung hợp tác hiện tại và tiềm năng giữa Việt Nam và Canada trong các lĩnh vực cụ thể như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, phát triển thị trường các bon và nông nghiệp thông minh với khí hậu.

Hợp tác giữa Việt Nam và Canada những năm gần đây rất được coi trọng và thúc đẩy. Chính phủ Canada trong thời gian qua đã ủng hộ mạnh mẽ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua dự án về An toàn thực phẩm và Dự án Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với Biến đổi khí hậu.

Tại buổi tiếp, Đại sứ Biến đổi khí hậu Canada Catherine Steward chia sẻ Canada mong muốn củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên để tiếp tục thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Việt Nam.

“Với tư cách là Đại sứ Biến đổi khí hậu, vai trò của tôi là lên tiếng về những vấn đề BĐKH mà Canada đang gặp phải và Canada đang làm gì để ứng phó BĐKH trong nước và trên thế giới. Chúng tôi cảm nhận rất rõ về tác động của BĐKH đối với đời sống, con người, tự nhiên và nền kinh tế nói chung. Chúng ta cần hành động để chống lại BĐKH, do đó chúng tôi đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về net zero và cam kết về giảm phát thải tại COP26”, bà Steward chia sẻ.

ho-tro-giam-phat-thai-02-1710407144.jpg
Đối với Việt Nam, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada còn tập trung vào trụ cột hợp tác về hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Steward cho biết, Canada tập trung vào giảm phát thải trong sản xuất và tăng cường năng suất song vẫn đảm bảo thích ứng với BĐKH. Nước này cũng có chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững với ngân sách phân bổ cho việc thực hiện chiến lược này lên tới 1,5 tỷ CAD.

Như vậy, ngoài các dự án hợp tác kể trên, phía Canada cũng mong muốn tiếp tục làm việc với Việt Nam trong các dự án khác như xây dựng hạ tầng ứng phó BĐKH như phòng chống lũ lụt, chống cháy rừng.

Một lĩnh vực khác Canada quan tâm là đối tác chuyển đổi năng lượng cân bằng, phía Việt Nam đã có kế hoạch hành động trong khuôn khổ chương trình này. Bà Steward cho rằng hai bên có thể hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực.

Ngoài ra, Canada cũng kêu gọi Việt Nam tham gia sáng kiến về thách thức định giá các bon toàn cầu của nước này. Theo bà Steward, việc định giá các bon có tác dụng lớn giúp giảm phát thải khí nhà kính và Canada đánh giá cao sự hợp tác với Việt Nam trên cơ sở đối tác cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực định giá các bon.

“Trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, việc định giá các bon và phát triển thị trường các bon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải và các chuyên gia phía Canada sẵn sàn làm việc với Việt Nam trong vấn đề này”, Đại sứ Biến đổi khí hậu Canada cho biết.

Đề xuất phía Canada hỗ trợ triển khai và thực hiện kế hoạch giảm phát thải

Phản hồi ý kiến từ phía Canada, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp lại là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH cũng là nguyên nhân gây ra BĐKH.

Để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững trong nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế các bon thấp là xu hướng chủ đạo. Bộ NN&PTNT đã ban hành và phê duyệt nhiều chính sách, kế hoạch hành động liên quan đến nội dung này.

Thứ trưởng cũng cho biết, ngành nông nghiệp đang hoàn thiện văn kiện dự án “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với Biến đổi khí hậu”. Tăng cường năng lực phát triển kinh tế biển và sinh kế bền vững sẽ góp phần giảm tác động của BĐKH, ổn định đời sống người dân ven biển và góp phần thực hiện kế hoạch IUU của Việt Nam.

Theo đó, Thứ trưởng đề xuất phía Canada hỗ trợ Bộ NN&PTNT triển khai và thực hiện kế hoạch giảm phát thải, trong đó có thực hiện đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL.

ho-tro-giam-phat-thai-03-1710407240.jpg
Đề xuất phía Canada hỗ trợ triển khai và thực hiện kế hoạch giảm phát thải, trong đó có thực hiện đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Hiện nay cả Việt Nam và Canada đều chứng kiến khí hậu ấm lên nhanh. Theo các chuyên gia báo cáo, mỗi ha rừng có thể hấp thụ được khoảng 100 tấn CO2 mỗi năm. Với mong muốn tiếp tục giữ tỷ lệ mức che phủ rừng của Việt Nam ở mức 42% và giảm tốc độ khí hậu ấm lên, phía Bộ đề nghị Canada hỗ trợ trồng rừng và phát triển rừng.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Canada chia sẻ kinh nghiệm và thế mạnh công nghệ phục vụ kinh tế tuần hoàn, các bon thấp trong nuôi trồng, chế biến và phát triển chuỗi giá trị thủy sản; công nghệ về quản lý, phòng chống lũ lụt và cháy rừng; các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

Đề xuất Canada huy động nguồn đầu tư thông qua Tổ chức Tài chính phát triển của Canada (FinDev Canada) để thúc đẩy hợp tác và đầu tư về công nghệ quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi để giảm phát thải khí nhà kính.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh (vào ngày 08/1 vừa qua), Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế Canada Ahmed Dirir Hussen cho biết, việc thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như chuyển đổi năng lượng đang là những mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới cùng quan tâm trong đó có Việt Nam và Canada.

Với tiềm lực, kinh nghiệm của mình, Canada sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện cần có sự tham gia của nhiều quốc gia, tổ chức, khối doanh nghiệp cả tư nhân lẫn quốc doanh, do vậy, Bộ trưởng Ahmed Dirir Hussen mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ để có thể tạo điều kiện cho các bên có thể tham gia và đóng góp vào công cuộc kiến tạo chung.

Theo Bộ trưởng Ahmed Dirir Hussen, Canada đang có thế mạnh như cải thiện cơ chế, chính sách về hợp tác công tư, tăng cường năng lực cho các cộng đồng ven biển chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thử nghiệm thị trường carbon trong lâm nghiệp, chống ô nhiễm nhựa đại dương…/.

Bình Nguyên