Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời cũng để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, đó là "Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn".
Chia sẻ về kế hoạch hành động của ngành Nông nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của Chính phủ về tăng trưởng xanh, ông Đào Thế Anh cho biết: “Trong kế hoạch tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp, Bộ nhận thức nông nghiệp là ngành trong thời gian qua có nhiều thành tựu về tăng trưởng xuất khẩu nhưng cũng sử dụng các nguồn tài nguyên về đất và ô nhiễm về tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến độ che phủ rừng. Vì thế, Bộ NN&PTNT quyết tâm trong 10 năm tới đạt được mục tiêu: Thứ nhất, vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng từ 2,5-3% hằng năm để đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân. Thứ hai, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu vẫn đảm bảo khoảng 5-6%. Thứ ba, đảm bảo an ninh lương thực, anh ninh dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo cho toàn bộ người dân Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, giảm ô nhiễm đất, tăng cường sức khỏe cho đất, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng nước tiết kiệm. Thời gian vừa qua, thâm canh nông nghiệp cũng sử dụng nước tương đối lãng phí. Hiện nay biến đổi khí hậu xảy ra nên nước không còn là tài nguyên thừa thãi nữa".
Ngành Nông nghiệp cũng đã thực hiện cam kết của mình, hiện nay phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành giảm tốt. Bộ cũng có cam kết đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp. Đến 2050, thực hiện đúng cam kết của Chính phủ là "Net Zero" phát thải trong nông nghiệp”.
Ông Đào Thế Anh cho hay, những chính sách định hướng chung của Chính phủ là cần thiết cho ngành nông nghiệp. Tính đến nay kế hoạch hành động đã đầy đủ từ kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch có trách nhiệm và bền vững. Vì vậy, để thúc đẩy nông nghiệp xanh, hướng tới "Net Zero" phát thải trong nông nghiệp vào năm 2050, cần phối hợp đồng bộ các giải pháp.
Bên cạnh đó, ông Thế Anh nhấn mạnh, đối tượng của ngành Nông nghiệp ngoài những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ còn có các hợp tác xã và nông dân. Vì thế, việc đầu tiên là cần có truyền thông để truyền bá tư duy về phát triển xanh, sản xuất nông nghiệp sinh thái, tiêu dùng bền vững đến từng địa phương, từng hộ nông dân ở các vùng miền. Đây là thách thức lớn. Bộ hiện đang hợp tác với các cơ quan truyền thông mạnh mẽ; thứ hai là cải tổ bộ máy khuyến nông, phát triển khuyến nông cộng đồng để làm thế nào thông tin được.
Về phía cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học, cần phải tập trung vào vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra công nghệ mang tính tiêu chuẩn về xanh, về sinh thái, tuần hoàn nhưng phải phù hợp với điều kiện, nhiều loại công nghệ khác nhau để phù hợp với các hộ nông dân.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần tích cực hợp tác với cơ quan nước ngoài, tổ chức nghiên cứu kêu gọi tài trợ nước ngoài và chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế.
Ngoài ra, trong vấn đề tài chính bên cạnh vấn đề tín dụng và bảo hiểm, ngành nông nghiệp hiện nay có rất nhiều tiềm năng trong việc đầu tư các vùng rừng, nông lâm kết hợp, tạo thành các bệ carbon, đóng vai trò rất quan trọng trong việc trung hòa carbon. Nếu như các ngành công nghiệp vẫn phát thải dương thì sẽ có những chỗ để hấp thụ carbon. Như thế mới có thể đảm bảo Net Zero của Việt Nam, hay trung hòa carbon vào năm 2050. Cái chính hiện nay để thúc đẩy vấn đề này, cần thúc đẩy vấn đề tiếp cận thị trường carbon, tín dụng phù hợp cho nông nghiệp, nông thôn./.