Cần có chế tài xử lý nghiêm cán bộ vi phạm đạo đức công vụ

Đạo đức công vụ là một phạm trù rộng lớn bao hàm đạo đức, lối sống, phong cách ứng xử, giao tiếp của đảng viên, cán bộ, công chức trong giao dịch hành chính để thực hiện nhiệm vụ công.
p2-1643155341.jpg
Ảnh minh họa

Thực trạng đạo đức công vụ của công chức hiện nay

Chủ thể đạo đức công vụ là người công chức, viên chức. Với tư cách là công chức, yêu cầu phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực quy định cách ứng xử của công chức trong hoạt động thực thi công vụ, tránh vi phạm đạo đức của người công chức. Đạo đức công vụ không chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải được luật hóa trong nền công vụ và cần có chế tài cụ thể với các hành vi vi phạm đạo đức công vụ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì đạo đức công vụ là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Suy ra đó là “Nhân, nghĩa, liêm, trí, tín”. Đó là “cái nền”, “cái gốc” của mọi cán bộ, công chức nhà nước. Trong “Lời nói đầu” của Sắc lệnh 76/SL ngày 20/05/1950, ban hành “Quy chế công chức Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Công chức Việt Nam phải đem hết tất cả sức lực và tâm trí làm đúng theo đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”.

 Điều 8, Hiến pháp năm 1980 nêu rõ: “Tất cả cơ quan Nhà nước và nhân viên Nhà nước phải hết lòng phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.

Có thể khẳng định rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ công chức công cụ của nước ta đã luôn mang hết tài trí, đạo đức ra phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân - Trong đó, không ít cán bộ, đảng viên đã hy sinh cả tính mạng của mình vì chế độ, vì hạnh phúc của nhân dân trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, do hiện nay chúng ta đang vận hành cơ chế thị trường trong điều hành, quản lý nên hệ lụy của nó đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có đạo đức công vụ của đội ngũ công chức. Đặc biệt, tâm lý sùng bái đồng tiền, xem nhẹ các giá trị đạo đức, đang làm suy giảm, thậm chí thoái hóa, biến chất, phá hoại chuẩn giá trị dẫn đến vi phạm nguyên tắc, hành vi, luật pháp của một bộ phận công chức - nhất là những công chức có chức quyền, nắm giữ những vị trí then chốt trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận, Quy định của Ban chấp hành Trung ương về đẩy mạnh, chỉnh đốn Đảng ngày 09/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay không làm tròn bổn phận, chức trách được giao... Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân...” Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là Thủ tướng đã đặt câu hỏi: “Nếu cán bộ, công chức làm việc tận tụy, công tâm, khách quan, luôn lắng nghe, quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân, của doanh nghiệp, thì chắc chắn sẽ ít hoặc không xảy ra những bức xúc, khiếu nại đông người.”

Quả thật tình trạng vi phạm đạo đức công vụ, vô trách nhiệm của một số công chức, nhất là những công chức đang giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước trước những bức xúc, oan trái của người dân, của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến. Dư luận xã hội phản ánh không ít doanh nhân, nhà báo, nhà đầu tư (chưa nói là dân thường) khi muốn tiếp xúc, gặp gỡ hoặc gửi công văn trao đổi, xin ý kiến một vấn đề nào đó với quan chức hay người đứng đầu của cơ quan Đảng, chính quyền địa phương, hay Bộ, ngành đều phải cầu cạnh, săn đón, chực chờ năm lần bảy lượt, thậm chí cả năm mà vẫn không được tiếp hoặc hồi âm.

Thực tế cho thấy, những quan chức tỏ ra hách dịch, quan liêu, vô cảm chủ yếu là kẻ tham lam nhũng nhiễu, mưu cầu lợi ích riêng, lợi ích nhóm hoặc nói trắng ra là không có tâm lẫn tài họ thường thủ trong đầu nhiều lý do khiến người dân hay doanh nghiệp khi đến “cửa quan” phải “ngả mũ” mà quay bước.

Chả thế mà đã xảy ra không ít chuyện dở khóc, dở cười như trường hợp sau đây. Ở thành phố nọ (xin được dấu tên), một doanh nhân có việc cần gặp người đứng đầu thành phố, nhưng hẹn năm lần bảy lượt, thậm chí đã có công văn gửi trước nhiều lần, nhưng vị quan chức vẫn trả lời “ đang bận họp”, “bận giao Ban”.

Cực chẳng đã, một hôm, vị doanh nhân kia sau khi gọi điện lại được trả lời: “Tôi đang bận họp”, anh ta liền đi thẳng lên phòng làm việc thì thấy Sếp đang “tán chuyện” với mấy nhân viên hoàn toàn không có không khí một cuộc họp!

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao trong khi nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn đầu tư tài chính, trí tuệ, nhân lực góp phần phát triển kinh tế xã hội, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho địa phương thì họ lại phải chịu lực cản rất lớn, rất trì trệ, thờ ơ từ những cán bộ có chức quyền, đứng đầu bộ máy hành chính của một số địa phương.

Vì sao những quan chức này vẫn tồn tại trong đội ngũ công chức Việt Nam? Phải chăng đây chính là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: Họ là những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Chính cách hành xử vô cảm, thiếu trách nhiệm của những công chức có quyền, có địa vị này không chỉ làm nản lòng các nhà Đầu tư, các Doanh nghiệp mà còn là nguyên nhân trực tiếp làm kìm hãm tăng trưởng kinh tế xã hội cho địa phương mình, ngành mình. Sâu xa hơn, sự vô cảm, cách hành xử thiếu trách nhiệm, dối trá, vi phạm đạo đức công vụ của một bộ phận quan chức nắm quyền hành trong bộ máy Nhà nước đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Chính quyền ở nhiều địa phương.

Một số giải pháp nâng cao đạo đức công vụ

Trong điều kiện thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp trước đây sang nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn diện với thế giới, nhất là tạo ra thể chế kinh tế thị trường vận hành tuân thủ đầy đủ các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Một số giải pháp cơ bản cần được ưu tiên để nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức trước yêu cầu mới trong thời gian tới là:

- Nghiên cứu nền tảng lý luận, triết học về các giá trị đạo đức, đạo đức xã hội làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng khung lý thuyết về đạo đức xã hội mới, về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

- Nghiên cứu hình thành mô hình tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, trên cơ sở đó hình thành các tiêu chí của bộ máy hành chính mới, tiêu chí năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức mới của đội ngũ cán bộ, công chức.

- Hình thành pháp luật về đạo đức công chức thực thi công vụ hay cần có một luật về công chức - công vụ.

- Công chức khi thực thi công vụ mới phải tuân thủ các chuẩn mực vừa mang tính đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, những chuẩn mực quy định mang tính pháp luật của nhà nước trong mối quan hệ tổng hòa giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với nhà nước trên cơ sở hài hòa quyền và lợi ích.

 Do đó, nguyên tắc pháp luật về đạo đức công vụ xây dựng trên nguyên lý: Pháp luật bắt buộc - nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp - nguyên tắc đạo đức xã hội (các quy tắc ứng xử của công chức trong thực thi công vụ, thể hiện văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng, nêu gương trong ứng xử xã hội).

- Rà soát lại và bổ sung các quy định trong Luật Cán bộ, công chức, đồng thời nghiên cứu xây dựng Luật Công chức  - công vụ.

- Đề cao vai trò đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ. Kinh nghiệm từ các nền công vụ tiên tiến trên thế giới, trong các trường đào tạo, huấn luyện công chức đều có chương trình huấn luyện công chức, từ việc ứng xử trong quan hệ công chức với người dân tới thái độ trách nhiệm trong thực thi công vụ.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính nhà nước, từng bước theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, xây dựng nền công vụ phục vụ, lấy thước đo hiệu quả bằng sự hài lòng của người dân, coi đó là công cụ, tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ.

- Xây dựng các thể chế tổ chức và hoạt động công vụ theo mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, quản lý nhà nước bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây là cơ sở để đẩy lùi tính vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí một cách chủ động, tích cực, hiệu quả. Huy động sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội vào công việc nhà nước, giám sát, phản biện xã hội một cách thiết thực đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

- Chú trọng, khuyến khích tự đào tạo, tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức trong một xã hội học tập, trong nền kinh tế tri thức.

Đã đến lúc đề nghị Quốc hội cần sửa đổi Luật công chức, bổ sung một số Điều mới nhằm răn đe, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức được Đảng và nhân dân giao cho trọng trách thay mặt Nhà nước quản lý xã hội nhưng họ lại coi quyền lực được giao như cái “ao nhà”, cái “kho thóc” hay “tài sản, quyền lực” riêng của gia đình họ, muốn bắt cá lúc nào thì bắt, muốn cho ai thóc gạo thì cho và muốn cho ai quyền được làm gì thì làm?./.

Lê Hữu Quế