Liên kết giữa điện ảnh và du lịch là một hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu
Vừa qua, Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Văn hóa tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới”. Tọa đàm nhằm làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch-điện ảnh của Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch nói chung, hợp tác du lịch-điện ảnh nói riêng, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam; khẳng định vai trò của ngành du lịch và ngành điện ảnh đối với nền kinh tế đất nước.
Tọa đàm có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị quản lý và hoạt động trong lĩnh vực du lịch, điện ảnh, xúc tiến quảng bá như đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Liên chi hội Lữ hành Việt Nam; đại diện Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA); các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, điện ảnh; đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương…
Tại Tọa đàm, các đại biểu, diễn giả sẽ làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch và điện ảnh Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình hợp tác phát triển du lịch, điện ảnh của Việt Nam; từ đó đề ra các giải pháp để phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch, điện ảnh ở Việt Nam. Ngoài ra, các diễn giả cũng làm rõ các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư, nhà làm phim và khách du lịch Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết ngành du lịch Việt Nam đã chủ động liên kết các ngành văn hóa, luôn xác định sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là 2 ngành trọng tâm. Sự liên kết giữa hai ngành này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, quyết tâm tập trung chỉ đạo phát triển điện ảnh, điện ảnh phải liên kết với du lịch. Liên kết giữa điện ảnh và du lịch là một hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu để phát triển quảng bá du lịch một cách hữu hiệu.
Nhiều quốc gia đã trở thành tiêu điểm thu hút khách du lịch trên toàn thế giới nhờ vào các bộ phim điện ảnh. Đặc biệt đối với những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Italy… thì các tác phẩm điện ảnh của họ có sức lan tỏa rất lớn với lượng lớn khán giả ở trong nước, khu vực và thế giới.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức các chương trình đẩy mạnh liên kết quảng bá du lịch với các ngành khác. Đáng chú ý, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành tổ chức một chương trình xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh tại Hollywood, và kế hoạch này đang được gấp rút triển khai, hoàn thiện.
Nhắc lại những kết quả và những công việc đã làm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, liên kết giữa điện ảnh và du lịch là một hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu để phát triển quảng bá du lịch một cách hữu hiệu.
“Khi nói về quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua việc xây dựng các tác phẩm điện ảnh, chúng ta nhận thấy rõ sức mạnh của điện ảnh không chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật, mà còn là một lĩnh vực của văn hóa. Nếu biết gắn kết sức mạnh này sẽ tạo ra sức lan tỏa rất cao trong quảng bá, giới thiệu về du lịch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một số vấn đề, trước hết là về thể chế, chính sách cho phát triển du lịch. Đây được xác định là một trong những nguồn lực, khai thông nguồn lực phải bắt đầu từ thể chế. Bộ trưởng mong muốn dưới góc độ truyền thông, các đại biểu sẽ góp ý cho cơ quan nhà nước, cấp có thẩm quyền xem xét, luận giải, tìm ra hướng giải quyết trong thời gian tới.
Tận dụng sức lan tỏa của điện ảnh để quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia
Đối với Việt Nam, việc thu hút phát triển du lịch thông qua điện ảnh là một trong những đổi mới phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, việc đổi mới phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08 của Thủ tướng về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển thêm các hướng đi mới nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của các ngành, lĩnh vực như du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch đường sắt và đã có những kết quả ban đầu rất tích cực. Trong lộ trình đó, phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh cũng là một hướng đi mới nhằm tận dụng sức lan tỏa của điện ảnh để quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam rất giàu tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, văn hóa. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp hạng 26 và tài nguyên văn hóa xếp hạng 28 trên thế giới. Đây là nguồn tài nguyên rất tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Sự thành công của bộ phim Kong: Skull Island với những cảnh quay hoành tráng tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim "bom tấn" của Hollywood.
Xúc tiến quảng bá du lịch kết hợp với điện ảnh là một hoạt động đặc thù, cần có sự tiếp cận và phương thức triển khai phù hợp. Đối tượng hướng đến là các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, các đạo diễn, nhà sản xuất phim nổi tiếng có tầm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, muốn kết hợp giữa điện ảnh và du lịch cần phải có những chính sách cụ thể, giải pháp cụ thể, cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Nhất là hình thành cơ sở vật chất hiện đại, chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ địa điểm, lưu trú, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, ưu đãi các đoàn làm phim được vay vốn với lãi suất thấp…
Theo bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), nguyên là Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL), cho rằng, muốn kết hợp điện ảnh và du lịch, ngoài việc đưa ra giải pháp cụ thể cần quan tâm hoàn thiện những cơ chế, chính sách bởi luật pháp đã quy định phải có ưu đãi thuế, các ưu đãi đối với đoàn làm phim không kể nước ngoài hay trong nước, tuy nhiên so với thế giới thì chúng ta còn chậm và chưa thấy rõ được cơ chế cụ thể. Muốn có những ưu đãi phải có những nghiên cứu rất cụ thể vì nếu không đưa ra những chính sách kịp thời thì sẽ rất khó có bước chuyển mình tổng thể.
"Tôi thấy chúng ta nói rất nhiều về việc đưa hình ảnh đẹp, phải làm du lịch kết hợp với điện ảnh, nhưng theo tôi, khi làm một bộ phim chúng ta không nên du lịch hóa nó, có nghĩa là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa và từ đó mới quảng bá được cho địa phương và điểm đến. Nếu chúng ta du lịch hóa tác phẩm điện ảnh thì vô hình trung cả hai bên sẽ không đạt được hiệu quả, phim sẽ không thành công và không quảng bá được du lịch" bà Ngô Phương Lan cho biết.
Theo bà Ngô Phương Lan: Luật Điện ảnh 2022 rất mới, có nhiều tiền đề, khung pháp lý để tạo cơ chế. Nhưng những cơ chế và văn bản dưới luật dường như chưa có. Cụ thể, về thủ tục có đơn giản hơn. Thí dụ như trước đây, nếu chỉ quay 1/10 diễn biến bộ phim ở Việt Nam thì Nhà nước vẫn duyệt kịch bản 100%. Còn hiện nay, chỉ cần tóm tắt kịch bản phần không quay ở Việt Nam thôi, còn phần quay ở Việt Nam mới cần đưa kịch bản 100% cho Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để cấp phép.
Ngoài ra, phần cơ chế tài chính, chính sách, tôi thấy Nghị định 41 cũng có những cái tốt, tức là có các cơ chế giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim, nhưng theo luật thuế không có gì liên quan về cơ chế này.
Khi đưa vào thực tế thì Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng như cơ quan thuế phải có những văn bản dưới luật, làm sao để có ưu đãi cho nhà làm phim. Điều này quyết định lớn đến việc thu hút đoàn phim vào Việt Nam./.