Cam Vinh mất giá, nỗi lo được báo trước

Vụ cam năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19, những người trồng cam ở Nghệ An phải tiếp tục đối mặt với tình cảnh cam vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua, dù giá chỉ khoảng 5.000 đồng/kg.
vna-potal-nghe-an-cam-vinh-vao-vu-nhung-vang-bong-thuong-lai-thu-mua-5748563-1636004962.jpg
Chị Trương Thị Vân, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có khoảng 1ha cam Mát dù đã đến vụ thu hoạch nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Vắng bóng thương lái thu mua

Thủ phủ cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp có hơn 2.000 ha. Trái với cảnh nhộp nhịp thương lái thu mua như những năm trước thì năm nay không khí im ắng. Nhiều nhà vườn chỉ bán cam với giá khoảng 5.000 đồng/kg nhưng không ai thu mua. Chị Trương Thị Vân, xã Tam Hợp huyện Quỳ Hợp cho biết, gia đình có 1 ha cam với khoảng 600 gốc. Đây là giống cam chín sớm chủ yếu dùng vắt nước uống phục vụ trong các nhà hàng.

Những năm trước, thời điểm này, gia đình chị đã bán được gần nửa vườn giá cũng giao động từ 12.000-15.000 đồng/kg nhưng năm nay không thấy thương lái đi thu mua dù giá bán đã xuống thấp.

Theo chị Nguyễn Thị Dung, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp thì giá cam từ 3.000-5.000 đồng/kg là loạt cam Mát hoặc cam Xã Đoài, Vân Du chín bói đầu vụ chất lượng cũng như mẫu mã kém được các nhà vườn thu hoạch sớm. Mọi năm, những loại cam này có giá dao động từ 12.000-20.000 đồng/kg thì năm nay giá chỉ khoảng 5.000 đồng/kg nhưng cũng không có thương lái thu mua.

Dù chỉ có khoảng 1,5 ha cam Vân Du, chưa đến thời vụ thu hoạch nhưng gia đình vẫn rất lo lắng vì như những năm trước, những quả xấu sẽ được thu hái để bán trước nhưng năm nay vẫn chưa thấy thường lái vào hỏi mua. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các đại lý tiêu thụ ở thành phố Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng... không đặt hàng.

Việc phát triển cây có múi nói chung và cây cam nói riêng trong thời gian đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, khiến người dân ở các huyện thị trên địa bàn Nghệ An trồng ồ ạt, phá vỡ quy hoạch. Cao điểm nhất vào năm 2018, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng nhanh với trên 10.000 ha; trong đó, riêng cây cam có hơn 6.000 ha vượt quy hoạch năm 2020 trên 1.000 ha.

Dù đã phát triển mạnh về diện tích cũng như sản lượng nhưng đầu ra cho Cam Vinh vẫn phụ thuộc vào thương lái. Đến nay, Nghệ An vẫn chưa có bất kỳ một cơ sở chế biến, tiêu thụ cam có quy mô nào.

Khó giữ thương hiệu

Từ lâu, cam Vinh đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được người trong và ngoài tỉnh biết đến. Năm 2007, cam Vinh được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với quy mô 12 xã thuộc 5 huyện. Đến năm 2019 chỉ dân địa lý cam Vinh được mở rộng lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An.

vna-potal-nghe-an-cam-vinh-vao-vu-nhung-vang-bong-thuong-lai-thu-mua-5748565-1636004989.jpg
Hàng ngàn nông dân lo lắng vì cam đã vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái hỏi mua, dù giá bán chỉ 5.000 đồng/kg. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Việc mở rộng chỉ dẫn địa lý đã mang lại lợi thế về quy mô sản lượng, giá trị kinh tế cho người trồng cam nhưng việc quản lý chất lượng cam Vinh đã nảy sinh nhiều vấn đề. Với lối canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nguồn giống không đảm bảo đã khiến chất lượng cam Vinh không được đảm bảo theo tiêu chuẩn ban đầu.

Quỳ Hợp là “thủ phủ” cam Vinh; trong đó diện tích cam phần lớn nằm trên địa bàn hai xã Minh Hợp và Nghĩa Xuân. Một thực trạng khiến người trồng cam ở đây thất thu trong những năm qua là nhiều vườn cam bị nhiễm bệnh, cây còi cọc, quả rụng non hàng loạt… nhiều diện tích cam buộc phải chặt bỏ. 

Bà Đinh Thị Kim Châu, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết, Minh Hợp là một trong những vùng cam chủ lực của huyện Quỳ Hợp, là cái nôi của cam Vinh nhưng trong những năm gần đây chất lượng quả đang dần đi xuống. Nhiều diện tích cam của bà con buộc phải chặt bỏ vì sâu bệnh, thoái hóa. Cụ thể, từ 1.700 ha năm 2018 đến nay toàn xã chỉ còn 700 ha. Cây cam không còn là cây làm giàu của nhiều gia đình nữa.

Riêng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp), lúc cao điểm đơn vị có hơn 1.000 ha cam, thế nhưng, nay chỉ còn khoảng 400 ha. Hàng trăm ha cam đã bị chặt bỏ vì nhiễm nấm Phytophthora, số còn lại chất lượng cũng như mẫu mã không còn đảm bảo tiêu chuẩn.

Cuối năm 2020, đơn vị này đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng toàn bộ việc trồng mới cây cam, quýt trên toàn bộ diện tích đất do công ty quản lý. Đồng thời, khuyến cáo người dân ngừng trồng mới cam chuyển sang luân canh trồng mía, ngô, ổi, lạc, đậu… trong vòng 3 đến 5 năm để cải tạo lại đất. Đại diện công ty này cũng thừa nhận trong vài năm tới đơn vị sẽ không còn sản phẩm mang thương hiệu cam Vinh nữa, nếu có thì chất lượng cũng không còn đảm bảo theo tiêu chuẩn ban đầu.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện có hơn 1.500 ha cam, là vùng cam chính của tỉnh Nghệ An. Những năm qua, do nhiều nguyên nhân như giống chất lượng kém, cây lâu năm bị thoái hóa, đặc biệt là việc xuất hiện bệnh Greening hiện chưa có thuốc đặc trị khiến nhiều diện tích cam của bà con buộc phải chặt bỏ.

Để giúp đỡ người dân, UBND huyện đã chủ động mời các chuyên gia, nhà khoa học từ Viện Bảo vệ thực vật Trung ương, cán bộ Chi cục bảo về thực vật tỉnh lên tập huấn cách phòng trừ sâu bệnh, quy trình chăm sóc đúng khoa học.

Ngoài ra, để phát triển cây cam nói riêng và cây ăn quả có múi nói chung, tháng 7/2021, UBND huyện Quỳ Hợp đã thông qua Đề án phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Quỳ Hợp giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, thời gian tới, huyện sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch đến hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho bà con. Phấn đấu đến năm 2025 huyện trồng hơn 2.500 ha cam, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Để đưa cam Vinh trở lại vị thế trước đây cần có hàng loạt giải pháp đồng bộ từ lý thuyết đến thực tiễn. Câu chuyện về phát triển thương hiệu cam Vinh không chỉ là chuyện của người trồng cam, mà còn là câu chuyện của nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh./.