Sản phẩm từ nghêu, tre Việt Nam vươn tầm thế giới nhờ phát triển bền vững, toàn diện chuỗi giá trị

Chiều ngày 23/3, tại TP. Vinh (Nghệ An), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã tiến hành tổng kết Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện Chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam”. Sau 5 năm triển khai, Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ đã giúp giá trị xuất khẩu nghêu và tre của Việt Nam sang Châu Âu tăng hơn 40%.
a-103101-4402-1-1679628566.jpg
Hội thảo tổng kết dự án “Phát triển bền vững và toàn diện Chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” diễn ra chiều hôm qua (23/3) tại TP. Vinh , Nghệ An.

Theo đó, Dự án do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ 4,3 triệu Euro. Dự án được Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp triển khai cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Triển khai từ năm 2018, phạm vi Dự án diễn ra tại 5 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre.

Về kết quả, Dự án đã giúp hơn 34.000 người có thu nhập bền vững hơn từ sản xuất nghêu và tre; 125 nhóm sản xuất được tổ chức tốt hơn; 63 doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và có chính sách kinh doanh bao trùm; hơn 4000 việc làm mới được tạo ra; góp phần tăng xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang châu Âu từ 38 đến 40%, xuất khẩu tre tăng 42%; đóng góp xây dựng chính sách quốc gia và định hướng phát triển vùng nghêu, tre cấp tỉnh.

Mặt khác, Dự án cũng đã hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nâng cao thu nhập và vị thế của họ thông qua phát triển chuỗi giá trị toàn diện, thực hành các tiêu chuẩn sản xuất bền vững.

a7401642-3791-1679629728.jpg
Trưng bày một số sản phẩm từ cây tre tại Hội nghị tổng kết Dự án

Từ hiệu quả của Dự án, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chứng chỉ FSC cho cây tre, kế tiếp đến các huyện Quế Phong (Nghệ An) và huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) liên tiếp đạt chứng chỉ này. Đầu năm 2023, Trà Vinh là vùng nuôi nghêu thứ 3 trên thế giới đạt Chứng nhận ASC.

Việc được cấp các chứng chỉ này không chỉ là “giấy thông hành” cho các sản phẩm từ nghêu, tre của Việt Nam tới những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu bền vững./.

Quốc Cường