Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hành động để giải quyết tình trạng thiếu lương thực do chiến tranh

Lãnh đạo nhóm G7 cho biết: "Chúng tôi sẽ sử dụng đồng bộ tất cả các công cụ và cơ chế tài trợ để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, và xây dựng khả năng phục hồi trong ngành nông nghiệp sao cho phù hợp với các mục tiêu về khí hậu và môi trường".
download-1649144438.jpg
Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh chung trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ

Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác của các nền dân chủ công nghiệp hóa lớn trên thế giới đã cam kết hành động để giải quyết tình trạng thiếu lương thực do cuộc chiến của Nga với Ukraine - mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia Trung Đông và châu Phi phụ thuộc vào nguồn cung từ cả hai nước.

"Chúng tôi sẽ sử dụng đồng bộ tất cả các công cụ và cơ chế tài trợ để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, và xây dựng khả năng phục hồi trong ngành nông nghiệp sao cho phù hợp với các mục tiêu về khí hậu và môi trường", các nhà lãnh đạo của G7 tuyên bố sau cuộc họp tại Brussels, Bỉ. "Chúng tôi sẽ giải quyết những gián đoạn trong sản xuất nông nghiệp và thương mại, đặc biệt là ở các nước dễ bị tổn thương."

Nhóm G7, bao gồm các nước Mỹ, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức và Ý, cũng như Liên minh châu Âu EU, cam kết cung cấp cho Ukraine "nguồn cung lương thực bền vững" và giúp người dân Ukraine trồng trọt, thu hoạch mùa màng khi thiếu nhiên liệu và phân bón trầm trọng.

Ukraine từ lâu là nước sản xuất lúa mì, ngô, dầu hướng dương và và các loại cây trồng khác. Đây cũng là nơi cung cấp chính cho Chương trình Lương thực Thế giới Thế giới của Liên hợp quốc, tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới tập trung vào nạn đói và an ninh lương thực, đồng thời là nhà cung cấp quốc tế các bữa ăn cho học sinh lớn nhất. Cùng với Nga, Ukraine cũng là nhà cung cấp chính cho nhiều nước ở Trung Đông và châu Phi.

Tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ông Joe Biden cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực sắp xảy ra là "có thật" và ông đang nói chuyện với các nước khác về những gì Mỹ, Canada và các nhà sản xuất ngũ cốc có thể làm để giúp các nước nghèo hơn. Biden cho biết họ đã thảo luận về sự cần thiết phải chấm dứt bất kỳ hạn chế xuất khẩu nào mà châu Âu và các quốc gia khác đã áp đặt đối với nguồn cung cấp thực phẩm của họ trong bối cảnh hoảng loạn mua và tích trữ nguồn cung.

Điều đó có thể ám chỉ đến Hungary, quốc gia đã ngừng vận chuyển lúa mì sang các nước khác, khiến Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU không hài lòng. Tuy nhiên, ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine, việc Trung Quốc tích trữ ngũ cốc được cho là nguyên nhân làm tăng giá và góp phần gây ra nạn đói trên thế giới.

Tuyên bố của G7 bao gồm một cam kết chung để tránh các lệnh cấm xuất khẩu cũng như hạn chế thương mại khác, đồng thời duy trì một thị trường mở, minh bạch. Tuyên bố này kêu gọi các quốc gia khác làm điều tương tự, phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, bao gồm các yêu cầu thông báo của họ đối với bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào.

Mặc dù các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới nghiêm cấm một cách rộng rãi các lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu, nhưng các quy định này vẫn cho phép các thành viên áp dụng tạm thời để ngăn chặn hoặc giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đối với thực phẩm hoặc các sản phẩm thiết yếu khác. Nếu các thành viên tạm thời hạn chế xuất khẩu lương thực, họ phải xem xét thích đáng nhu cầu an ninh lương thực của những người khác.

Các nhà lãnh đạo G7 hứa sẽ tăng cường đóng góp tập thể của họ cho Chương trình Lương thực Thế giới và các tổ chức quốc tế có liên quan khác để trợ giúp các quốc gia bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Họ cũng kêu gọi một phiên họp bất thường của Hội đồng Tổ chức Nông lương để giải quyết những hậu quả về an ninh lương thực và nông nghiệp thế giới phát sinh từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Trong một động thái khác nhằm ngăn chặn việc tăng giá lương thực, các nhà lãnh đạo G7 đã kêu gọi những người tham gia Hệ thống Thông tin Thị trường Nông nghiệp Quốc tế tiếp tục chia sẻ thông tin và tìm hiểu các lựa chọn để giữ giá cả trong tầm kiểm soát. Điều đó bao gồm việc chia sẻ thông tin với Chương trình Lương thực Thế giới về mức dự trữ ngũ cốc và các mặt hàng quan trọng khác của mỗi quốc gia.