Cà Mau phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn không quá 1% vào năm 2025

Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn không quá 1%. Trung bình hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm tối thiểu 0,5%. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
giam-ngheo-ca-mau-2-1727539574.jpg
Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào DTTS tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.(Ảnh minh họa)

Hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững

Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đề ra các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 về đầu tư cơ sở hạ tầng liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ các dự án phát triển sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Mục tiêu chung của tỉnh là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

giam-ngheo-ca-mau-1-1727539559.jpg
Tỉnh Cà Mau sẽ tập trung triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. (Ảnh minh họa)

Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tăng cường sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác giảm nghèo; phát huy hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp trong tỉnh.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp các cấp, các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động, bằng cách hỗ trợ phát triển sản xuất, vay vốn ưu đãi, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp kiến thức, tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở thực tế từng địa phương.

Cùng với đó là tạo điều kiện cho các lao động nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và phân công cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tạo sinh kế tăng thu nhập để người dân vươn lên thoát nghèo

Gia đình ông Danh Rim (Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) chỉ có 1 công đất, ít vốn sản xuất nên làm mãi vẫn chưa thoát nghèo. Năm 2023 gia đình ông Rim được hỗ trợ vay vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được hơn 20 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay, gia đình ông thuê thêm 5 công đất phía sau nhà để trồng dưa hấu theo hướng VietGAP. Ngoài trồng dưa, gia đình còn tận dụng diện tích đất làm chuồng nuôi dê. Nhờ chịu khó lao động, đến nay gia đình ông Danh Rim đã thoát được nghèo.

“Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ cho vay vốn trồng dưa, mỗi năm tôi trồng từ 2 - 3 vụ. Tôi nghiên cứu kỹ thuật trồng dưa trái vụ nên cho thu nhập cao hơn. Thoát được nghèo mừng lắm, giờ tiếp tục nỗ lực làm ăn để vươn lên”, ông Danh Rim chia sẻ.

Cũng theo ông Danh Rim, lúc đầu không có vốn, gia đình chỉ dám mua 4 con dê giống để nuôi thử nghiệm, thấy đạt hiệu quả nên tiếp tục tái đàn. Đến nay số lượng dê đã lên đến 17 con, đang phát triển khỏe mạnh. 2 năm nay thu nhập từ ruộng dưa hấu và đàn dê đem lại cho gia đình nguồn thu 80 triệu đồng/năm.

giam-ngheo-ca-mau-3-1727539654.jpg
Mô hình trồng dưa hấu VietGAP giúp gia đình ông Danh Rim vươn lên thoát nghèo.(Ảnh minh họa)

Song song với việc thực hiện hiệu quả các Dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thời gian qua tỉnh Cà Mau còn thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gia đình nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; xây dựng và sửa chữa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở từ nguồn vận động Quỹ Vì người nghèo.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở để tập trung kêu gọi, vận động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Đề cập giải pháp hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ông Nguyễn Quốc Thanh - Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho hay: Sở chú trọng khuyến khích và duy trì, nhân rộng một số mô hình có giá trị kinh tế cao như nuôi lợn, nuôi bò, nuôi chồn hương, sò huyết và một số mô hình hiệu quả khác nhằm tạo sinh kế, gia tăng thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở Cà Mau trong thời gian tới.

Tỉnh Cà Mau hiện đang duy trì thực hiện 95 mô hình, dự án sinh kế với 1.336 hộ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ thực hiện dự án. Bằng nguồn lực hỗ trợ ban đầu của nhà nước đã tạo đà phát triển kinh tế, tăng thu nhập, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống./.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, so với năm 2022, hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.344 hộ nghèo phát sinh ở khu vực nông thôn (khu vực này chỉ có 23 hộ tái nghèo). Cùng với đó, khu vực nông thôn của tỉnh có thêm 1.112 hộ cận nghèo phát sinh (khu vực này chỉ có 58 hộ tái cận nghèo).

Bình Nguyên