Cà Mau chủ động phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng

Nhằm chủ động thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản… trong thời điểm hậu dịch bệnh COVID-19, tỉnh Cà Mau đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi lại sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là thời điểm cuối năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Cà Mau, hiện tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát. Theo đó, ngành đặt ra chỉ tiêu sản xuất tổng sản lượng thuỷ sản trong năm 613.700 tấn, đạt 98,98% kế hoạch; trong đó, sản lượng tôm 218.400 tấn, đạt 97,07% kế hoạch.

Đối với lĩnh vực lúa gạo, ngành đề ra chỉ tiêu sản lượng lúa 460.000 tấn, đạt 92% kế hoạch; đối với chăn nuôi, tổng đàn lợn xuất chuồng 180 nghìn con, đạt 90% kế hoạch; đàn gia cầm xuất chuồng 4,5 triệu con, đạt 100% kế hoạch…

Theo đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất ở các lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản gồm nuôi, trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ, tiêu thụ... hoạt động hiệu quả. Điều này sẽ vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của người dân, nhất là khi tỉnh kiểm soát được dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới.

ca-mau-1-1632791767.jpg
Ảnh minh họa ( Cổng thông tin điện tử cà Mau)

Để chủ động phục hồi lại sản xuất sau thời gian ảnh hưởng do dịch bệnh, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực rà soát, đảm bảo cung ứng đầy đủ giống, thức ăn, vật tư phục vụ sản xuất của người dân; xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Sở liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản trong tỉnh và chế biến, xuất khẩu, nhất là những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh trong đảm bảo cung ứng hàng hoá; tạo thuận lợi vận chuyển; đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; nghiêm túc và kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội. Các ngành liên quan chủ động nắm bắt thông tin thị trường… để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo trạng thái bình thường mới, khi dịch bệnh được khống chế.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tình hình sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2021 với các chỉ tiêu thực hiện đạt trên 70% kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, chỉ tiêu nuôi tôm siêu thâm canh vượt kế hoạch 11,87%, tăng 28,56% so với cùng kỳ; vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu đạt năng suất khá, giá trị tăng so với năm 2020 từ 10-15%. Tình hình cung ứng, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai nhân rộng và phát triển,...

Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh còn gặp không ít khó khăn đã ảnh hưởng đến sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất giá cả tăng cao. Cụ thể, giá phân bón tăng từ 2 đến 2,5 lần, trong khi giá nông sản giảm từ 20% đến 30%, đặc biệt có những mặt hàng có thời điểm giảm mạnh từ 40% đến 50% như thủy, hải sản.

Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động trong sản xuất; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; giá một số vật liệu xây dựng tăng đột biến và khan hiếm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công tình, giải ngân vồn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch. Việc tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa, liên kết sản xuất giữa các chủ thể tham gia thiếu bền vững.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, Cà Mau xác định nông nghiệp là thế mạnh, tôm là mặt hàng chủ lực; trong đó, có nhiều mô hình tập trung phát triển quyết liệt cho năng suất, sản lượng rất cao. Tuy nhiên, cách tổ chức thực hiện vẫn chưa tốt, nhất là đối với việc hình thành các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác…

Thời gian tới, Cà Mau sẽ tập trung quy hoạch lại sản xuất, phân vùng đất đai, tính toán mô hình sản xuất cho phù hợp. Bên cạnh đó, với đặc thù đường bờ biển kéo dài, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng tác động đến đời sống người dân; tình trạng sạt lở, mỗi năm mất từ 300 400ha đất; trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến rừng phòng hộ ven biển. Do đó, tỉnh đề nghị trung ương quan tâm, hỗ trợ để có giải pháp, đầu tư khắc phục.../.

Huỳnh Thế Anh