Theo đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai chuyên đề kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hạt điều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan với số lượng lớn, ngay từ những tháng đầu năm 2021.
Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số hành vi vi phạm như các đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục nhập khẩu và thuế đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất xuất khẩu, một số doanh nghiệp sản xuất hạt điều đã tiến hành nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu (loại hình E31).
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, có trường hợp không đưa vào sản xuất hoặc chỉ đem một phần nguyên liệu vào sản xuất để tạo ra sản phẩm xuất khẩu mà số nguyên liệu còn lại được đem bán vào thị trường nội địa mà không làm thủ tục hải quan, không chuyển mục đích sử dụng theo quy định, nhằm hưởng lợi từ sự chênh lệch về thuế và chính sách mặt hàng. Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô chiếm tỷ trọng rất lớn.
Tổng cục Hải quan cho rằng, thực tế hoạt động nhập khẩu nguyên liệu hạt điều theo loại hình E31 đang và sẽ tiềm ẩn rất nhiều vấn đề rủi ro trong việc quản lý.
Theo đó, việc tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, trốn thuế, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất hạt điều chân chính, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại đến thị trường tiêu dùng trong nước, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và tác động xấu đến đời sống của người nông dân trồng điều...
Trước thực trạng lợi dụng loại hình nhập khẩu E31 để buôn lậu, để đảm bảo kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều làm nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, tránh việc lợi dụng để bán tiêu thụ nội địa, Tổng cục Hải quan đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai các giải pháp như ban hành văn bản cảnh báo và hướng dẫn nghiệp vụ tới các cục hải quan địa phương, nhấn mạnh về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị rà soát và xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật.
Năm 2021 Tổng cục Hải quan đã có kết luận kiểm tra đối với 18/18 vụ việc đã thực hiện kiểm tra sau thông quan. Trong số đó có 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu (xuất xứ thuần tuý Việt Nam); 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa chuyển công an tiếp tục làm rõ; 1 doanh nghiệp trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố.
Tổng cục Hải quan đã giao cho các cục hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Đồng thời, Tổng cục Hải quan chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các cục hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì kim ngạch và lượng xuất khẩu hạt điều những tháng đầu năm 2022 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến 15/2, cả nước xuất khẩu được 47.724 tấn hạt điều, kim ngạch đạt 283,8 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng giảm 18,24%, kim ngạch giảm 17,5%. Năm 2021, cả nước xuất khẩu 579.773 tấn hạt điều, kim ngạch đạt 3,64 tỷ USD./.