Bước chuyển mạnh từ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

"Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh" sẽ trình Chính phủ thời gian tới có ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
van-de-nong-nghiep-1680010578.jpg
Toàn cảnh hội thảo tham vấn giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 28/3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo 'Tham vấn giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho Việt Nam'.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, sản xuất lúa gạo hiện chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng khí thải methane của toàn ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn; liên kết chưa chặt chẽ giữa người trồng lúa với hợp tác xã và doanh nghiệp; các biện pháp canh tác còn chưa bền vững đặt ra không ít thách thức đối với ngành sản xuất lúa gạo trong tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả đã nhấn mạnh đến việc phát triển lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải góp phần giúp Việt Nam tiến dần tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050. Đặc biệt, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, thậm chí một số khâu phải tự động hóa phải được áp dụng trong sản xuất lúa gạo.

Theo ông Cao Thăng Bình, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp phải chú trọng đến công nghệ canh tác tiên tiến như: Áp dụng kỹ thuật số giảm sử dụng các yếu tố đầu vào và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nâng cấp hạ tầng thủy lợi; cải thiện cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị trong vận chuyển, chế biến và tiếp thị nông sản cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tài chính carbon…

Một số ý kiến cho rằng, thông qua hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp nói chung và lương thực nói riêng cần tăng cường sáng kiến và giải pháp kỹ thuật thông minh qua đó tạo thành quy trình sản xuất thống nhất gắn với từng vùng sinh thái khác nhau, vừa nâng cao giá trị cho người sản xuất, đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững.

Tiến sĩ Bas Bouman, Giám đốc nghiên cứu và Trưởng ban Tác động Bền vững của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), cho biết: Nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo ở châu Phi và châu Á hiện đang phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt bất thường gây mất mùa.

Đồng thời, sản xuất lúa gạo cũng gây ra lượng khí thải carbon cao từ các cánh đồng bị ngập nước liên tục, sử dụng nhiều đầu vào (ví dụ hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu và năng lượng), đốt và ủ rơm rạ cũng như thất thoát sau thu hoạch. Những vấn đề nói trên cũng là trường hợp của Việt Nam.

Do đó, Việt Nam cần tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp và sản xuất bền vững. Những mục tiêu này sẽ được hỗ trợ bởi các đổi mới thích ứng với biến đổi khí hậu, canh tác chính xác và cơ giới hóa.

Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: "Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh" sẽ trình Chính phủ thời gian tới có ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo đó, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao sẽ sử dụng giống có chứng nhận đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu đa giá trị, nhất là về dinh dưỡng, nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp. Bên cạnh đó, áp dụng quy trình canh tác bền vững, sử dụng ít vật tư đầu vào, nhất là phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống, nước và được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác liên kết. Các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, được số hóa vùng trồng truy xuất nguồn gốc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: "Lúa gạo được sản xuất ở vùng chất lượng cao sẽ tăng thu nhập cho người trồng lúa, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm. Bên cạnh việc sản xuất với chi phí thấp bán với giá cao hơn, những vùng chuyên canh sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên và được xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó áp dụng đồng thời vùng nguyên liệu trồng lúa, các mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm từ lúa. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị gia tăng"./.