Bỏ vụ lúa bấp bênh, biến vùng hạn mặn thành cánh đồng trồng sả chuyên canh lớn nhất tỉnh Tiền Giang

Những vùng đất thường xuyên đối mặt với hạn mặn trước đây vốn chỉ trồng được một vụ lúa nhưng năng suất bấp bênh. Để ứng phó với điều kiện khó khăn của thời tiết, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sả và một vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh cùng với nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông" ra đời.
vung-sa-tan-phu-dong-4-1738769145.jpg
Thu hoạch sả trong mùa hạn mặn ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông. (Ảnh CTV)

Biến vùng đất hạn mặn thành cánh đồng sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang

Huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) nằm giữa 2 nhánh sông Cửu Long (Cửa Tiểu và Cửa Đại), lại sát biển, vì vậy mùa khô nước mặn từ sông Cửa Đại và Cửa Tiểu bao trùm khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, đặc thù địa phương là huyện cù lao nhiễm mặn tiếp giáp biển Đông, điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt. Mỗi năm có từ 04 - 06 tháng bị nhiễm mặn. Để khai thác tốt tiềm năng đất đai nơi đây, thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân ổn định sản xuất và đời sống, huyện chủ trương chuyển đổi từ trồng lúa một vụ bấp bênh sang trồng chuyên canh sả.

Ưu điểm cây sả là thích nghi với môi trường thổ nhưỡng vùng đất cù lao nhiễm mặn, chịu được hạn hán, dễ trồng, cho năng suất cao, chi phí đầu tư thấp, mang lợi nhuận cao. Hơn nữa, sả vừa là cây gia vị, vừa là cây dược liệu, có thể chế biến được nhiều sản phẩm đắc dụng cho sức khỏe, đầu ra thuận lợi.

Thông tin từ UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, nhằm ứng phó hạn mặn, nông dân địa phương chuyển đổi 3.780ha đất trồng lúa một vụ bấp bênh sang trồng sả, hình thành vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang với sản lượng thu hoạch đạt trên 60.000 tấn sả thương phẩm mỗi năm.

vung-sa-tan-phu-dong-6-1738769209.jpg
Cánh đồng trồng sả chuyên canh ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.(Ảnh CTV)

Được biết, thương lái thu mua bình quân 4.500-5.000 đồng/kg sả tại ruộng tùy theo thời điểm. Với giá này, mỗi ha sả đạt giá trị trên 100 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng khoảng 60 triệu đồng/ha, cao gấp từ 3-4 lần so với trồng lúa một vụ năng suất bấp bênh trước đây nên nông dân rất phấn khởi.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất vùng chuyên canh, huyện Tân Phú Đông đã đầu tư trên 15 tỷ đồng thi công nâng cấp gần 15.000m đê bao hoàn thiện dự án thủy lợi Phú Thạnh-Phú Đông; xây dựng mới 5 công trình cống, nạo vét 62 tuyến kênh, rạch nội đồng lấy nước tưới tiêu với chiều dài trên 95.000m và kinh phí trên 22,2 tỷ đồng.

Các công trình trên đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, ứng phó thiên tai hạn mặn, giảm nhẹ thiệt hại. Nhờ vậy, đã góp phần bảo vệ tốt vùng trồng sả chuyên canh, ổn định cuộc sống người dân trong mùa khô hạn thời tiết rất khắc nghiệt trên đất cù lao nhiễm mặn.

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu

Để nâng cao giá trị của cây sả thương phẩm, hàng năm, ngành Nông nghiệp huyện chủ động phối hợp với các xã vùng chuyên canh đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ trong thâm canh, hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch và trồng sả theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng chất lượng nông sản hàng hóa.

Mặt khác, huyện Tân Phú Đông chú trọng phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực trồng sả, giải quyết đầu ra, nông dân có lợi. Toàn huyện hiện có 01 hợp tác xã chuyên canh sả và 03 tổ hợp tác trồng sả ở các xã Phú Thạnh và Phú Đông, góp phần cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng như đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho vùng chuyên canh. Mạng lưới tiêu thụ phát triển với hàng trăm cơ sở thu mua sả lớn nhỏ thu mua sả thương phẩm đưa đi tiêu thụ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang cùng các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, huyện Tân Phú Đông đã xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông" thành công. Kết quả, từ tháng 4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông" cho Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông.

Đồng thời, địa phương quan tâm phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực trồng sả gắn liên kết tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh.

vung-sa-tan-phu-dong-8-1738769244.jpg
Nông dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang sơ chế sả thương phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ.(Ảnh CTV)

Tân Phú Đông hiện thành lập được 6 Hợp tác xã chuyên canh sả, 3 Tổ hợp tác trồng sả ở các xã trọng điểm cùng với hàng trăm cơ sở thu mua sả lớn nhỏ. Thời gian qua, mạng lưới trên đảm nhận tốt vai trò tiêu thụ, thu mua sả thương phẩm đưa đi tiêu thụ khắp các nơi trong ngoài tỉnh. Các Hợp tác xã chuyên canh sả Phú Thạnh và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Đông còn chuyển giao quy trình canh tác VietGAP trên cây sả cho nông dân.

Theo Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Đông cho biết, hợp tác xã quy tụ 53 thành viên với diện tích canh tác 53ha. Không chỉ tập hợp nông dân, chuyển giao kỹ thuật trồng sả theo quy trình VietGAP, Hợp tác xã còn thu mua, tiêu thụ sả thương phẩm cho bà con vùng trồng xã Phú Đông.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng thị trường từ 200 - 300 tấn sả thương phẩm. Nhờ vậy, nông dân an tâm đầu tư thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng nông sản hàng hóa tốt tham gia thị trường.

Nhờ linh hoạt chuyển đổi cây trồng, vùng đất hạn mặn Tân Phú Đông đã hồi sinh với màu xanh ngút ngàn của cây sả. Cây sả thích nghi tốt với điều kiện hạn mặn và không tốn nhiều nước tưới như các loại cây trồng khác nên dễ dàng duy trì sản xuất trong mùa khô giúp khai thác hiệu quả đất canh tác và tạo cho địa phương sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá trị kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần so với cây lúa giúp hàng ngàn hộ dân huyện cù lao này không chỉ thoát nghèo mà có cuộc sống ngày một khấm khá hơn./.

Bình Nguyên