Bỏ giá thầu thấp xuất khẩu gạo cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu báo cáo

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thông tin từ một số cơ quan truyền thông, mới đây trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
doanh-nghiep-bo-thau-gia-thap-de-xuat-khau-gao-sang-indonesia-1717115084.jpg
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp bỏ thầu xuất khẩu gạo giá thấp

Mới đây, ngày 22/05, Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog) thông báo Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời và CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài (thành viên của CTCP Lương thực Lộc Nhân - đơn vị liên kết của Lộc Trời) đã trúng thầu 100,000 tấn gạo trên tổng số 300,000 tấn do Bulog đấu thầu đợt này.

Cụ thể, Lộc Trời trúng thầu 2 lô với sản lượng 60,000 tấn gạo, mức giá 563 USD/tấn, giảm 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn. Đây cũng là lần thứ 6 kể từ tháng 8/2023, Công ty trúng thầu. Đại Tài lần đầu trúng gói thầu với sản lượng 40,000 tấn gạo.

Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư, Lộc Trời cùng Đại Tài sẽ thu về trên 55 triệu USD (trên 1,300 tỷ đồng).

Cơ quan nhà nước yêu cầu báo cáo

Theo TTXVN ngày 30/5/2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp. 

Hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Hơn nữa, đây là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Cùng đó, xác minh thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp.

Lý do bỏ thầu gạo xuất khẩu giá thấp

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, thừa nhận doanh nghiệp (DN) này bị áp lực của tài chính vì phải ứng vốn cho nông dân ngay từ đầu, thay vì để bà con nông dân lo chi phí đầu vào.

"Chúng tôi muốn chi phí bà con nông dân chỉ có 50% so với giá bán. Muốn giảm hóa chất cho nông dân, phải có chi phí, ứng vốn cho nông dân. Vốn này do DN bảo lãnh giúp nông dân. Vì ngân hàng chỉ tin DN. Do đó, áp lực tài chính là có", ông Thuận nói.

Tuy nhiên theo ông Thuận, DN này có vùng nguyên liệu và nhiều nhà máy xay xát lúa gạo khắp vùng ĐBSCL, có hệ sinh thái từ mua lúa đến sản xuất lúa gạo nên có lợi thế về chi phí. Do đó, Tập đoàn Lộc Trời bán gạo với giá nào cũng không ảnh hưởng đến bà con nông dân.

"Chúng tôi cũng mua lúa của nông dân với mức giá cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với giá thị trường. Trong đợt vừa rồi, đơn vị mua lúa hơn 3.000 tỉ đồng nhưng bị sự cố nên chỉ thiếu lại 500 tỉ đồng. Đến nay cũng giải quyết xong, giúp nông dân ổn định", ông Thuận nói thêm.

Lùm xùm nợ tiền mua lúa của nông dân

Trước đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong vụ Đông Xuân 2023-2024, Tập đoàn Lộc Trời đã nợ tiền mua lúa của hơn 900 nông dân ở các huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn, với số tiền hơn 245 tỷ đồng. 

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tính đến ngày 09/05, Lộc Trời đã thanh toán 280.4 tỷ đồng cho bà con nông dân và còn nợ 159.4 tỷ đồng. Việc trả tiền mua lúa cho nông dân chậm do Tập đoàn hiện chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Trong khi đó, tiền thanh toán của khách hàng quốc tế về chậm. Năm nay, các đối tác cũng khó trong hoạt động kinh doanh khi giá gạo biến động khiến Công ty gặp khó về dòng tiền. 

Nhận định của chuyên gia

Nguyên giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL TS Võ Hùng Dũng cho rằng quyết định mức giá bỏ thầu như thế nào là quyền của doanh nghiệp. Nếu giá trúng thầu thấp quá mà mặt bằng trong nước khá cao, doanh nghiệp sẽ lỗ và chính doanh nghiệp mới là bên lo lắng nhất.

Theo ông Dũng, việc doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp cũng không gây ảnh hưởng cho ngành lúa gạo Việt Nam, trừ khi doanh nghiệp chiếm thị phần lớn mới gây ảnh hưởng nhưng cũng chỉ trong mùa vụ đó, giai đoạn đó mà thôi.

Khác với quan điểm của TS Võ Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), ông Phạm Thái Bình cho rằng việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam hạ giá xuống thấp, kể cả thua lỗ, để trúng thầu xuất khẩu gạo là cạnh tranh nội bộ một cách rất tiêu cực.

Theo ông Bình, dù bất kỳ lý do gì, ngay cả việc bán lỗ để lấy tiền trả nợ vay ngân hàng và thanh toán tiền lúa cho nông dân, việc bỏ thầu giá thấp cũng gây thiệt hại rất lớn đến ngành hàng lúa gạo và ảnh hưởng đến quyền lợi của nông dân./.

Kim Ngọc