Bình Phước tăng cường chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số không chỉ giúp toàn ngành nông nghiệp, các hộ nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-1697790852.jpg
Ứng dụng thiết bị IOT trong nông nghiệp đạt được hiệu quả cao. Ảnh minh họa

Là tỉnh có cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, thời gian qua, tỉnh Bình Phước xác định thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu tiếp tục triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Theo UBND tỉnh, thông qua chuyển đổi số sẽ giúp toàn ngành nông nghiệp, các hộ nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện tỉnh Bình Phước đã đưa vào 20 xã và 2 doanh nghiệp, hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện. thực hiện thí điểm 19 cơ sở với mã vùng trồng, với 1.997 ha, sản lượng 223.000 tấn/năm; ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong và ngoài nước, có 8 HTX đạt tiêu chuẩn theo VietGAP và Lobo GAP… Nhiều sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 và 4 sao, nông dân được hướng dẫn đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và nông thôn tỉnh còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động điều hành, quản lý chuyên ngành, quy hoạch ngành; trong cấp mã vùng trồng, hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu; trong nâng cao năng lực quản lý vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phòng chống thiên tai, trong tổ chức hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, nông dân, hợp tác xã…

Từ những nỗ lực đó, hiện Bình Phước có 226 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 196 hợp tác xã nông nghiệp. Đến nay, khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không toàn diện, chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.