Bị tàn phá nặng nề do bão, ngành thủy sản nỗ lực vượt khó đạt mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD

Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS) Nguyễn Việt Thắng cho biết, cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho nuôi trồng thủy sản ở nhiều tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh... Vì vậy, việc đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD trong năm 2024 của ngành này sẽ khó khăn.
xuat-khau-thuy-san-1-1725975705.jpg
Đến thời điểm này, ngành thủy sản đã có tổng giá trị xuất khẩu khoảng 6,25 tỷ USD trong số 9,5 tỷ USD mục tiêu đề ra cho cả năm 2024.(Ảnh minh họa)

Người nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề do bão số 3

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), siêu bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho cho ngành nông nghiệp. Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… có trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi.

Riêng Quảng Ninh có tới trên 1.000 lồng bè thuỷ sản nuôi ở vùng biển bị hư hỏng, cuốn trôi, các hộ ngư dân thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Tại cuộc họp thông tin nhanh của Bộ NN&PTNT về các giải pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 Yagi, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết: Về vùng nuôi trồng thuỷ hải sản, lồng nuôi hải sản ở vùng biển bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nặng cho bà con ngư dân.

Đáng chú ý, do bão quá lớn càn quét khiến Hải Phòng, Quảng Ninh mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến nuôi tôm. Ở Cát Bà (Hải Phòng) đến nay vẫn chưa kiểm đếm được thiệt hại. Trong khi đó, tại Quảng Ninh, các dây hàu nuôi bị đứt hết, vùng nuôi hàu cơ bản mất trắng.

xuat-khau-thuy-san-2-1725975690.jpg
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi thủy sản tại Quảng Ninh.(Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: Thiệt hại về nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ninh nặng nề, các lồng bè nuôi được làm bằng gỗ, tre nứa bị hỏng nặng, lồng bằng nhựa HDPE cũng bị cuốn trôi... Bên cạnh đó, có 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp vào cuộc nhanh chóng, đưa ra các giải pháp cụ thể để hướng dẫn địa phương, nông dân khắc phục sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho hàng chục nghìn hộ nông dân, nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo các địa phương về việc chăm sóc số cá còn sống để tiếp tục duy trì. Đối với cá chết, khung lồng gãy, phao đang ảnh hưởng đến môi trường... Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương thu gom đưa lên bờ, rút kinh nghiệm, thay đổi vật liệu làm lồng, bè bằng vật liệu dẻo, chống chịu được sóng gió để giảm thiểu thiệt hại. Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị nuôi biển với các địa phương miền Bắc bị thiệt hại bởi bão Yagi để khắc phục hậu quả, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản tu sửa, khôi phục sản xuất.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9,5 tỷ USD

Đến thời điểm này, ngành thủy sản đã có tổng giá trị xuất khẩu khoảng 6,25 tỷ USD trong số 9,5 tỷ USD mục tiêu đề ra cho cả năm 2024. Tuy nhiên, những thiệt hại và ảnh hưởng từ cơn bão số 3 hiện gây khó khăn cho việc thực hiện phần còn lại.

Hiện nay, ngành chức năng và Hội Thủy sản Việt Nam nỗ lực hỗ trợ các tỉnh phía Bắc giảm thiểu thiệt hại, phục hồi lại sản xuất. Đồng thời, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gần hơn đến tệp khách hàng mục tiêu và quảng bá, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu, gia tăng giá trị cho mặt hàng thủy sản Việt Nam.

xuat-khau-thuy-san-3-1725975782.jpg
Hiện nay, ngành chức năng và Hội Thủy sản Việt Nam nỗ lực hỗ trợ các tỉnh phía Bắc giảm thiểu thiệt hại, phục hồi lại sản xuất. (Ảnh minh họa)

Trước mắt, tại Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thủy sản - Aquaculture Vietnam 2024 diễn ra từ 9/10- 11/10/2024 ở TP.HCM với 100 doanh nghiệp tham gia và 4.000 khách tham quan từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp thủy sản Việt tìm kiếm thị trường, công nghệ, và xu hướng mới.

Hội Thủy sản cũng lưu ý các tỉnh phía Nam về dự báo thời tiết diễn biến phức tạp trong thời gian tới, cần có phương án đảm bảo sản xuất và xuất khẩu.

TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS) cho biết: Phía Nam luôn ít bão hơn nên ít nhiều người cũng chủ quan. Trong Hội đã có văn bản gửi các Hội địa phương, phối hợp với địa phương có phương án chủ động ứng phó với dự báo diễn biến thời tiết xấu. Cố gắng lường trước những khả năng sẽ xảy ra, đặc biệt rút kinh nghiệm những cơn bão trước, phải cố gắng di tản người và di dời những lồng bè có khả năng bị tác động lớn khi bão đổ bộ./.

Bình Nguyên