Để giảm thiểu thiệt hại cho ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và các hộ dân nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các biện pháp kỹ thuật xử lý trước, trong và sau mưa bão đối với từng khu vực nuôi trong ao, đầm, hồ, khu vực ven sông, nuôi bãi triều ven biển... Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức kiểm kê, rà soát các vùng nuôi trồng thủy sản, chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa to, bão lớn xảy ra.
Trong đó, chú trọng thu tỉa những diện tích tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão lũ xảy ra và chuẩn bị tốt về giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học nhằm chăm sóc, bảo vệ và phòng dịch bệnh để nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ghi nhận thực tế tại một số địa phương cho thấy, trước mùa mưa bão, các hộ nuôi trồng thủy sản đã chủ động gia cố lại các lồng nuôi, công trình phụ trợ. Đồng thời, khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích thước lớn, di dời lồng bè nuôi đến nơi tránh trú an toàn.
Bà Bà Lương Thị Lực, HTX nuôi cá Tầm Sơn Điện Quan Sơn cho biết: “Trước mùa mưa lũ, để tránh thiệt hại, HTX đã chủ động tăng sức đề kháng cho cá; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực lồng nuôi, bảo đảm môi trường sống tốt cho cá, tránh dịch bệnh. Đồng thời, gia cố lại các lồng nuôi, công trình phụ trợ có khả năng chịu ảnh hưởng của gió bão, mưa lũ. Nếu dự báo thời tiết có mưa bão lớn, khả năng xảy ra lũ lụt, chúng tôi khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, di dời lồng, bè nuôi đến nơi tránh trú an toàn. Cùng với đó đầu tư mua thêm thùng phao nổi, gia cố lại trụ cột, thay mới những tấm lưới cũ, rách để không bị thất thoát sản lượng".
Còn tại huyện Hậu Lộc, nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy hải sản. Tuy nhiên, việc nuôi thủy sản, như: tôm, cua, cá... cũng có nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão, vì nguy cơ ngập lụt, ô nhiễm nguồn nước. Nhiều năm về trước ở địa phương này đã thiệt hại hàng chục tỷ đồng do mưa bão gây ra.
Ông Lê Tiến Thuận, trú tại xã Đa Lộc huyện Hậu Lộc cho biết: "Để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão, gia đình tôi đầu tư đắp bờ đập quanh hồ nuôi quảng canh, làm cống thoát nước, khơi thông hệ thống tiêu nước, chống ngập cho khu vực nuôi trồng. Đồng thời, chuyển một phần diện tích nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp ở các bể tròn, lót bạt nhằm kiểm soát môi trường, không khí, nhiệt độ ở các bể nuôi. Cùng với đó, trong mùa mưa bão, gia đình luôn chú trọng tới việc tăng cường sức đề kháng cho các đối tượng nuôi, tiến hành thu tỉa diện tích chuẩn bị đến kỳ thu hoạch để hạn chế thất thoát, thiệt hại".
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 19.500ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 14.000ha, diện tích nuôi nước lợ là 4.500ha, diện tích nuôi nước mặn là 1.000ha. Bên cạnh những diện tích được đầu tư hạ tầng kỹ thuật kiên cố, hiện đại, áp dụng những kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến thì phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tồn tại theo hướng bán thâm canh và quảng canh, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, ngập úng khi có mưa to kéo dài.
Để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở Nông nghiệp tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các biện pháp kỹ thuật xử lý trước, trong và sau mưa bão đối với từng khu vực nuôi trong ao, đầm, hồ, khu vực ven sông, nuôi bãi triều ven biển... Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức kiểm kê, rà soát các vùng nuôi trồng thủy sản, chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa to, bão lớn xảy ra./.