Bộ đội Biên phòng Cà Mau quyết tâm chống khai thác thủy sản vi phạm IUU

Nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, bằng nhiều biện pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình địa bàn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau phối hợp với lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp và có nhiều chuyển biến tích cực. Không chỉ nhằm mục đích để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, mà còn hướng tới mục tiêu hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản bền vững.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau về IUU.

PV: Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Cà Mau về chống vi phạm IUU, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau:

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254 km, vùng biển rộng khoảng 80.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Trên địa bàn có khoảng 4.500 tàu hoạt động khai thác hải sản, trong đó có 1.555 tàu cá đánh bắt xa bờ. Những năm qua, mặc dù đã được BĐBP và các ngành, các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhưng vì lợi ích kinh tế, một số ngư dân vẫn tìm cách trốn tránh sự quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng để đưa người, phương tiện đi khai thác đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài, từ đó ảnh hưởng đến nổ lực tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Cà Mau về tiếp tục mở đợt cao điểm chống khai thác IUU, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch cao điểm (thời gian từ 26/9 đến ngày 27/10/2022), xác định nhiệm vụ, giải pháp và phân công các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, trong đó tập trung các biện pháp nghiệp vụ tăng cường công tác nắm, đánh giá sát, đúng tình hình có liên quan đến hoạt động tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; phối hợp với Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các đường dây, đối tượng nghi vấn liên quan đến việc đưa tàu cá ngư dân đi khai thác trái phép hải sản ở vùng biển nước ngoài; phân loại theo dõi, giám sát và quản lý chặt chẽ các trường hợp tàu cá có “nguy cơ cao vi phạm IUU” để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn, xử lý.

Chỉ đạo các Đồn, Trạm Kiểm soát biên phòng duy trì thực hiện nghiêm công tác kiểm soát biên phòng; sử dụng lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng (Vùng Cảnh sát biển 4, Hải quân vùng 5, Kiểm ngư) tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý vùng biển theo phạm vi được phân công, theo quy chế phối hợp, kế hoạch hiệp đồng đã ký kết. Kiểm tra, kiểm soát quản lý chặt chẽ tàu cá tại các cửa sông không có trạm kiểm soát biên phòng và các địa bàn trọng điểm như Sông Đốc, Rạch Gốc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát; kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị bảo đảm an toàn theo quy định; tập trung vào tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

anh-1-1676385506.JPG

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau trực tiếp chỉ đạo công tác tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển và chống khai thác IUU. Ảnh: Lê Khoa

Tham gia Đội kiểm tra liên ngành 335 của tỉnh Cà Mau phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Kiên Giang tuần tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phòng chống IUU; trên vùng biển tiếp giáp giữa 02 tỉnh Cà Mau-Kiên Giang. Triển khai 08 phương tiện/64 đ/c tuần tra trên vùng biển của tỉnh, tuyền truyền vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động khai thác hải sản.

Phát huy hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc, cập nhật thông tin tàu cá vào hệ thống phần mềm quản lý, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm KSBP trên địa bàn tỉnh và liên thông với các cảng cá để quản lý theo dõi tàu cá xuất, nhập bến, hoạt động trên biển; tiếp tục duy trì giám sát 24/24 giờ hệ thống giám sát tàu cá tại Bộ Chỉ huy và các đơn vị, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời thông báo và kêu gọi các tàu cá vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài trở về vùng biển Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

PV: Thưa đồng chí, việc thay đổi nhân thức của người dân được cho là có ý nghĩa quan trọng nhất trong công tác phòng, chống khai thác IUU. BĐBP Cà Mau đã triển khai công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân như thế nào để nâng cao nhận thức, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản của ngư dân?

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau:

Một bộ phận ngư dân trên địa bàn tỉnh có thói quen tự ý đi tìm ngư trường khai thác mới hoặc chạy theo sự di cư mùa vụ của các loại hải sản và vì lợi ích kinh tế trước mắt cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong các biện pháp thì việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân có ý nghĩa quyết định đến việc chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Vì vậy, thời gian qua Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đồn, trạm Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn nâng cao nhận thức, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU; thông tin về sự gia tăng hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm của lực lượng chức năng các nước, để chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao nhận thức, không đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

anh-2-1676385506.JPG

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau Kiểm tra Trung tâm giám sát tàu cá tại Cảng cá Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Lê Khoa

Phối hợp chặt chẽ với địa phương duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tàu thuyền an toàn; tổ chức rà soát, thống kê, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp tình hình thực tế địa bàn, truyên truyền, vận động các chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh hải sản, các chủ tàu tàu, trọng tâm là các chủ tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU, nhận thức được tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cam kết khai thác, sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, không vi phạm khai thác IUU.

Thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển tổ chức gặp gỡ và tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân các xã ven biển, triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đến nay trên địa bàn tỉnh 100% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định. Những hoạt động trên đã góp phần quan trọng làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của ngư dân khi đánh bắt thủy, hải sản trên biển, bảo đảm khi làm ăn trên biển, bà con ngư dân tự giác chấp hành, không vi phạm các quy định của pháp luật.

PV: Vươn khơi, bám biển không chỉ là hành trình kiếm sống của ngư dân, mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thời gian qua, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá, BĐBP Cà Mau đã triển khai những biện pháp công tác nào để hỗ trợ ngư dân bám biển, phối hợp với BĐBP bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc?

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau:

Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Nhằm giúp ngư dân vươn khơi bám biển, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những chủ trưởng, chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân vươn khơi bán biển.

Phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát nắm, tình hình, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh xăng dầu tại địa bàn các xã, thị trấn ven biển, những khó khăn của ngư dân khi giá xăng dầu tăng cao, từ đó kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có những chủ trương, giải pháp hỗ trợ ngư dân, đồng thời tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên KVBG biển ưu tiên cung ứng xăng dầu cho ngư dân vươi khơi bán biển, không để phương tiện nằm bờ do không mua được nhiên liệu. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đóng mới tàu thuyền theo Nghị định số 67/NĐ-CP và Quyết định số 48/QĐ-TTg của Chính phủ.

Đề giảm một phần chi phí cho ngư dân BĐBP tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh hỗ trợ 100% cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn trong 5 năm (từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2026).

Trước tình hình thời tiết trên biển diễn biến bất thường, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng duy trì liên lạc chặt chẽ với ngư dân hoạt động trên biển, kịp thời thông báo tình hình diễn biến thời tiết xấu trên biển để ngư dân chủ động phòng tránh và có phương án đánh bắt đảm bảo an toàn. Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển, thường xuyên cũng cố, duy trì hoạt động 23 tổ tàu thuyền an toàn/201 phương tiện/731 thuyền viên kịp thời tham giam cứu hộ, cứu nạn trên biển khí có tình huống xảy ra, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân. Phối hợp chính quyền địa phương rà soát kịp thời hỗ trợ và cấp phát Qũy nhân đạo nghề cá cho ngư dân bị nạn trên biển. Bên cạnh đó, hàng năm BĐBP cũng đã tổ chức tặng phao cứu sinh, phao áo, cờ Tổ quốc cho ngư dân, góp phần hỗ trợ để ngư dân an tâm bám biển.

anh-3-1676385506.JPG

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau kiểm tra thủ tục 1 tàu đánh cá tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Lê Khoa

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển là một trong những nhiệm vụ thường xuyên được Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thời gian tới, BĐBP tỉnh tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn khu vực biên giới biển tỉnh tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Tăng cường phối hợp triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

PV: Với những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau, công tác ngăn chặn, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp tiến tới gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu tại địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau:

Qua triển khai công tác ngăn chặn, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả như: Ngư dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác hải sản, nhất là tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt so với ngững năm trước đây; ngư dân ghi chép nhật ký, cặp cảng, rời cảng và khai báo truy xuất nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các thủ tục giấy tờ, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển.

Ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của ngư dân đã được nâng lên, những năm trước đây, nhiều phương tiện của ngư dân sử dụng kích điện, đèn cao áp quá công xuất, giã cào gần bờ để khai thác hải sản làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, nhưng qua công tác tuyên truyền vận động hiện nay tình trạng này đã giảm đáng kể, chỉ còn một số phương tiện ven bờ theo mùa vụ.

Các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng đã phối hợp các Cảng cá quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào các cửa biển, không để tàu cá không đảm bảo thủ tục giấy tờ, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị mất kết nối ra biển hoạt động, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

anh-4-1676385526.JPG

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Ngọc Hiển về công tác chông khai thác IUU. Ảnh: Lê Khoa

Nhằm kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm theo quy định, UBND tỉnh đã đặt Trung tâm điều hành giám sát tàu cá tại cơ quan Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh để quản lý, vận hành. Từ Trung tâm giám sát sẽ nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá, cả số đang chạy và neo đậu, kể cả tàu đang neo đậu trong bờ hay ngoài biển. Cũng từ trung tâm giám sát, BĐBP sẽ biết mọi thông số như ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, đang ở kinh độ, vĩ độ nào.... Vì vậy, nếu trung tâm phát hiện có phương tiện đang hải trình gần vùng biển giáp ranh với các nước, BĐBP sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho chủ phương tiện biết để kịp thời điều khiển phương tiện quay trở lại. Phương iện nào cố tình vi phạm, sẽ căn cứ vào dữ liệu này để xử lí.

Thời gian tới, BĐBP và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai, rà soát, quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá đi khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý tàu cá ngắt kết nối, vượt ranh sang vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép, giám sát chặt chẽ nguồn gốc hải sản; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chống khai thác IUU theo quy định của pháp luật.

Lê Khoa