'Bẫy rác' bằng… rác

Từ những túi nilon đã qua sử dụng, nhóm giảng viên trẻ đã đan thành lưới kết hợp với hệ thống cần trục quay tay, ròng rọc… để tạo thành lưới thu gom rác ở các chợ ven sông.
15-2-1653016485.jpg
Áp dụng 'bẫy rác' tại một kênh ô nhiễm tại TPHCM.

Ngăn rác rơi xuống sông, kênh rạch

ThS Hồng Cẩm Ngân (trưởng nhóm), Trường Đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ, ý tưởng “dùng rác nhựa bẫy rác nhựa” của nhóm được hình thành khi chứng kiến tình trạng ô nhiễm trắng nghiêm trọng ở các lưu vực sông Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhóm đã lên ý tưởng về mô hình dùng túi nilon đã qua sử dụng và đan thành lưới kết hợp với những hệ thống trợ giúp như cần trục quay tay, ròng rọc, để tạo thành một mạng lưới thu gom rác các chợ ven sông, bờ kè nhỏ một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi và chi phí không quá cao.

Thực tế đã có nhiều dự án về thay đổi ý thức, hành vi của tiểu thương trong việc thải rác vào thùng theo quy định. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được tình trạng tiểu thương vứt hoặc quét rác trực tiếp xuống kênh, sông. Từ đó, nhóm phát sinh ý tưởng “dùng rác nhựa bẫy rác nhựa” với mong muốn có thể đưa ra giải pháp thu gom rác thải một cách tối ưu, thích ứng với hiện trạng, chi phí thấp.

Đã có nhiều mô hình bẫy rác trên sông, phát huy hiệu quả nhất định trong công cuộc bảo vệ nguồn nước nói riêng và môi trường sống nói chung. Tuy nhiên, các mô hình này thường phức tạp và chi phí không nhỏ cho việc chế tạo và vận hành.

Một số trường hợp gây cản trở giao thông thủy hoặc ảnh hưởng đến thủy sinh, thực vật trong nước. Vì các lý do trên, nhóm nghiên cứu đã tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, cũng như rác thải nhựa có thể tái chế để tạo ra mô hình “Dùng rác nhựa bẫy rác nhựa” này.

Quan sát thấy, tất cả các chợ ven sông, kênh trong nội ô đều có hệ thống bờ kè, nên nhóm tận dụng để lắp bẫy rác. Bẫy được cấu tạo gồm túi thu gom rác và hệ thống cố định vào lan can bờ kè.

Túi thu gom rác được kết cấu như một cái vợt, miệng là khung sắt hình chữ nhật (1m x 1,5m) và túi lưới (được đan từ các loại rác nilon đã qua sử dụng) có kích thước 1m x 1,5m x 1m. Ở cạnh đáy túi được cột 1 sợi dây thừng dài 2m, đầu còn lại của sợi dây được mắc hờ vào thành lan can bờ kè.

Bẫy rác được lắp cố định vào thành bờ kè với hệ thống ròng rọc, cần trục tay quay giúp di động lên xuống để công nhân môi trường có thể lấy rác. Khi lắp vào, thành trên của miệng túi thu gom rác cao hơn nền bờ kè 0,5m, để khi tiểu thương quét rác thì rác dễ dàng lọt vào túi.

15-1-1653016514.jpg
Mô phỏng bẫy rác được ThS Hồng Cẩm Ngân phát triển.

Cuối ngày, công nhân môi trường sẽ quay cần trục để đưa túi thu gom rác lên cao, khi đó họ sẽ kéo sợi dây thừng để rác trong túi thu gom có thể đổ qua xe trung chuyển một cách dễ dàng. Lúc này, họ có thể phân loại rác, lấy những rác có thể tái chế để bán giúp tạo thêm thu nhập và giảm lượng rác thải bỏ.

Quy mô ban đầu mỗi bẫy rác có thể thu gom từ 10 - 20kg rác mỗi ngày và lượng rác đó sẽ được các công nhân môi trường thu gom. Với hệ thống đơn giản, dễ dàng trong việc thao tác để kéo túi lưới và thu gom nên rất tiện lợi và tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ngoài ra, có thể tận dụng lại các bao nilon được thu gom để đan thêm lưới để mở rộng mô hình và thay thế các lưới cũ.

Mong muốn áp dụng trên toàn quốc 

ThS Hồng Cẩm Ngân cho biết, ý tưởng này vừa đẩy mạnh mục tiêu tái chế rác nhựa, vừa thích ứng với hành vi thải rác bừa bãi khó thay đổi nói trên, góp phần vào mục tiêu giảm rác thải nhựa trên biển.

Nhóm mong muốn sẽ thí điểm sau đó cải tiến và đề xuất mở rộng áp dụng “Dùng rác nhựa bẫy rác nhựa” trên phạm vi toàn quốc. Sản phẩm có kích thước và khối lượng nhỏ, tận dụng được lan can và thềm bờ kè để lắp đặt và sử dụng. Nên không yêu cầu cao đối với cơ sở hạ tầng để triển khai ứng dụng.

Phạm vi đặt các thiết bị sẽ được thí điểm tại các khu chợ nhỏ ven sông và bờ kè của TP Cần Thơ và sẽ được theo dõi diễn biến môi trường trong thời gian thí điểm.

“Chúng tôi tin chắc rằng, một khi ý tưởng được đưa vào thực tế, thì hiệu quả sẽ được ghi nhận cụ thể theo lượng rác mà các bẫy rác thu gom được và lượng rác nhựa được tái chế. Sản phẩm có thể hiện thực hóa ý tưởng để mang sản phẩm đến với thị trường nhằm góp sức và tinh thần bảo vệ môi trường, có thể lan tỏa thông điệp đến cộng đồng và mỗi cá nhân sẽ ý thức với việc thu gom, bảo vệ cuộc sống xanh của mỗi người, cũng như giúp cho môi trường ngày một xanh hơn”, ThS Hồng Cẩm Ngân chia sẻ.