Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 về việc công nhận 29 bảo vật Quốc gia (đợt 12, năm 2023), trong đó có Mộc bản chùa Dâu. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Chùa Dâu còn có tên là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt hiện còn lưu giữ được bộ mộc bản Cổ Châu Phật bản hạnh và một số mộc bản của một số kinh sách khác. Bộ mộc bản Cổ Châu Phật bản hạnh do thiền sư Tính Mộ trụ trì chùa Dâu thuê thợ khắc vào năm Cảnh Hưng thứ 13 (1753). Bộ mộc bản có 21 tấm, mỗi tấm có kích thước lòng là 22 x 15 cm, mỗi ván khắc có 12 dòng chữ, mỗi dòng có câu lục và câu bát.
Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh có tổng số 18 bảo vật, nhóm bảo vật Quốc gia gồm: Bộ tượng Phật Tam thế chùa Bút Tháp, Hương án chùa Bút Tháp và Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp (lưu giữ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành); Cửa võng đình Diềm; Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh; Tượng phật Adiđà (lưu giữ tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du); Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay (lưu giữ tại chùa Bút Tháp, thị xã Thuận Thành); Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh); Rồng đá (Xà thần) (hiện lưu giữ tại đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình); Ba pho tượng Tam Thế (hiện được lưu giữ tại chùa Linh Ứng, phường Gia Đông, thị xã Thuận Thành); Bộ tượng 10 linh thú Chùa Phật Tích; Cột đá chạm rồng chùa Dạm; Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu (hiện thờ tại Chùa Dâu, Chùa Phi Tướng, Chùa Dàn, thị xã Thuận Thành); Mộc bản sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” (lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh); Thạp đồng văn hóa Đông Sơn (thành phố Từ Sơn); Bia đá chùa Tĩnh Lự (huyện Gia Bình), Tượng Quan thế âm chùa Cung Kiệm (thị xã Quế Võ)./.