Bà Rịa – Vũng Tàu: Vỡ đập hồ chứa chất thải sinh hoạt rộng hàng nghìn mét vuông của Công ty Đại Nam

Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang điều tra, xử lý và lên phương án khắc phục vụ việc hồ chứa chất thải sinh hoạt rộng khoảng 5000 m2 của Công ty Đại Nam bị vỡ tràn ra môi trường xung quanh.

Cụ thể, ngày 30/10/2022, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ (Tx Phú Mỹ) đang điều tra sự cố, lên phương án khắc phục hậu quả vụ việc vỡ hồ chứa chất thải sinh hoạt của Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam (Công ty Đại Nam) có địa chỉ thuộc khu xử lý chất thải Tóc Tiên, xã Tóc Tiên, Tx Phú Mỹ.

Theo báo cáo nhanh của UBND Tx Phú Mỹ, sự cố xảy ra lúc 15h ngày 28/10/2022 tại đoạn tường rộng 3m, cao 5m tại khu vực Tây - Bắc hồ chứa chất thải lỏng sinh hoạt bị vỡ. Được biết, chất thải sinh hoạt được đưa về đây xử lý, làm phân bón.

k7-1667087173628-1667288591.jpg
Vỡ đập hồ chứa chất thải sinh hoạt của Công ty Đại Nam thuộc khu xử lý chất thải Tóc Tiên

Tại khu vực hồ chứa, cơ quan chức năng xác định nước chảy ra có màu nâu đen, xuất hiện lớp bọt màu trắng. Trung tâm quan trắc Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lấy mẫu nước thải bị chảy ra ngoài để phân tích, đánh giá chất lượng nước thải. Phía Công ty Đại Nam cũng đã huy động xe cuốc để lấp một đoạn suối Giao Kèo ngăn nước thải tiếp tục tràn ra khu vực khác.

UBND Tx Phú Mỹ và Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu chủ đầu tư bơm hút toàn bộ nước thải đã chảy ra ngoài môi trường, chuyển giao cho một đơn vị có chức năng xử lý theo quy định, hoàn thành khắc phục sự cố trước ngày 1/11/2022.

Trước đó, hồ chứa chất thải của Công ty Đại Nam cũng xảy ra sự cố rò rỉ nước thải. Lực lượng chức năng đã đến hiện trường kiểm tra, ghi nhận có chất thải lỏng sinh hoạt từ các hầm chứa chất thải chảy tràn ra xung quanh nền đất và đường nội bộ. Lưu lượng ước tính khoảng 4,3m3/ngày đêm.

k5-1667087172364-1667288557.jpg
Nước thải màu đen và bốc mùi bị tràn ra môi trường xung quanh

Theo thông tin trả lời báo chí ngày 1/1/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác xử lý sự cố vỡ hồ chứa chất thải của Chi nhánh Công ty Đại Nam cơ bản đã được khống chế, chủ doanh nghiệp đang gia cố bờ hồ bị vỡ.

Về hồ sơ pháp lý liên quan tới nhà máy của Công ty Đại Nam, Sở TN&MT cho biết, nhà máy đã được UBND huyện Tân Thành (nay là Tx Phú Mỹ) xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường tại Văn bản số 2318/UBND-TNMT ngày 08/10/2007, sự cố môi trường do tràn độ phát tán chất thải ra môi trường của Công ty Đại Nam có thể xem là sự cố môi trường cấp huyện.

Trước đó, khoảng 15h ngày 28/10/2022, Sở TN&MT nhận phản ảnh từ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc khu vực tường phía Tây - Bắc của khu hồ chứa chất thải lỏng sinh hoạt của Công ty Đại Nam bị vỡ, chiều ngang chân tường khoảng 3m, chiều cao bờ khoảng 5m. Toàn bộ nước trong hồ chứa rộng hơn 5.000m2 tràn ra ngoài, chảy xuống suối Giao Kèo về phía đập tràn thuộc xã Châu Pha, Tx Phú Mỹ.

b10-1667262563342-1667288574.jpg
Công tác khắc phục, gia cố đập sau khi hồ chứa chất thải bị vỡ

Đến 17h30 phút cùng ngày, toàn bộ nước thải trong hồ chứa đã chảy cạn, chỉ còn bùn dưới đáy hồ. Các ngành chức năng của Tx Phú Mỹ, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tỉnh đã có mặt tại hiện trường và yêu cầu Công ty Đại Nam khắc phục ngay sự cố. Phía Công ty đã huy động máy cuốc, lấp một phần đoạn suối Giao Kèo và mương nắn suối để ngăn nước thải. Đồng thời lấp mương nắn suối phía trên cống xả số 3 để ngăn nước thượng nguồn chảy vào.

Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc TN&MT đã lấy mẫu nước thải từ hồ chứa chảy tràn ra ngoài để phân tích, đánh giá chất lượng nước thải.

Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Công ty Đại Nam bơm hút toàn bộ nước thải tràn ra môi trường xung quanh để chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định, báo cáo cụ thể sự cố xảy ra nêu trên, kèm theo phương án khắc phục sự cố gửi về UBND Tx Phú Mỹ và các ngành có liên quan.

Cơ quan chức năng đã khảo sát dọc suối Giao Kèo, lấy mẫu nước. Chính quyền địa phương cũng thông báo cho người dân sống ở khu vực lân cận biết thông tin và yêu cầu hạn chế sử dụng nguồn nước của con suối này.

Mạnh Đức