Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, khoản tài chính nói trên sẽ được Canberra giải ngân thông qua Cơ quan Năng lượng Tái tạo Australia. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa phần vốn nghiên cứu của dự án, một nửa còn lại sẽ do Tập đoàn Đầu tư Xanh thuộc Tập đoàn Macquarie, cảng Newcaslte và các đối tác khác đóng góp.
Trong tuyên bố ngày 8/11 tại cảng Newcastle, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết khí hydro là “nhiên liệu tương lai”, có thể được sử dụng rộng rãi trong nước và quốc tế. Ông Morrison nói dự án xây dựng trung tâm khai thác khí hydro sẽ là chìa khóa cho tương lai của Australia, với tư cách là một quốc gia có lượng khí thải thấp, nhằm giúp nước này hiện thực hóa mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 vào năm 2050. Việc chuyển đổi cảng Newcastle từ một địa điểm chuyên xuất khẩu than lớn nhất thế giới, sang đa dạng hóa nguồn cung, là điều cần thiết, để chuẩn bị cho nền kinh tế carbon thấp.
Theo giới quan sát, động thái mới nhất này của Canberra được cho là thể hiện quyết tâm trở thành quốc gia đi đầu trong cuộc cạnh tranh chiếm vị trí cường quốc xuất khẩu khí hydro của thế giới, giữa bối cảnh các dự báo mới nhất cho thấy nhu cầu về nhiên liệu toàn cầu có thể tăng gấp sáu lần vào năm 2050.
Bộ trưởng Năng lượng Australia, Angus Taylor, khẳng định Canberra quyết tâm đạt được mục tiêu sản xuất hydro sạch với giá cạnh tranh. Ông nói dự án tại cảng Newcastle sẽ triển khai nghiên cứu lắp đặt một máy điện phân 40 megawatt, lớn hơn gấp bốn lần so với các máy điện phân lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Máy điện phân là một thiết bị tách nước thành hydro và oxy, bằng cách sử dụng năng lượng điện để tạo khí hydro sạch. Nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu khí hydro “sạch” của dự án tại cảng Newcastle có phải là hydro xanh, được sản xuất bằng năng lượng tái tạo hay không.
Ông Taylor dự đoán, trong điều kiện phát triển thành công, ngành công nghiệp khí hydro của Australia sẽ hỗ trợ tạo thêm hơn 16.000 việc làm mới vào năm 2050, cộng thêm 13.000 việc làm từ hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo liên quan. Ông khẳng định Australia có tiềm năng tạo ra hơn 50 tỷ AUD (35 tỷ USD) đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050 từ hoạt động sản xuất khí hydro sạch.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Australia đã tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Australia sẽ phải cắt giảm một lượng lớn khí thải nhà kính trong vòng ba thập kỷ tới. Tuy nhiên, thay vì theo đuổi các biện pháp thu hẹp hoặc xóa bỏ khai thác nhiên liệu hóa thạch như nhiều quốc gia phát triển khác, Canberra lại lựa chọn tập trung vào phát triển công nghệ phát thải thấp hơn, như sản xuất khí hydro, để chuyển đổi dần hệ thống các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon và giảm lượng khí thải quốc gia.
Ông Morrison tuyên bố Australia sẽ đạt được mục tiêu năm 2050 bằng cách giảm chi phí của các công nghệ thay thế và thúc đẩy áp dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất hiện có.