Áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực lâm nghiệp

Đầu tháng 10/2023 ngành lâm nghiệp đã tổ chức hội thảo, đánh giá chương trình phát triển lâm nghiệp và hướng tới mục tiệu thực hiện chương trình chiến lược phát triển lâm nghiệp 2021-2030.
t-1697944983.jpg
Thứ trưởng Phùng Tiến Đức tham quan các mô hình lâm nghiệp.

Trong những năm vừa qua, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn trong việc nâng cao diện tích, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn miền núi.

Tính tới tháng 12/2022, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14.790.075 ha, đạt tỷ lệ che phủ của rừng là 42,02%. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 15,7 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ hai châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Để đạt được thành công như trên là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển Lâm nghiệp, nông thôn miền núi mà đòn bẩy là phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở các chính sách lớn của Nhà nước và của ngành đã được ban hành như: Luật khoa học và công nghệ; Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng…,

Ngành Lâm nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ KHCN. Công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ Khoa học công nghệ trong giai đoạn vừa qua đã có những thay đổi căn bản, các nhiệm vụ được thực hiện theo chuỗi, liên ngành và qua nhiều giai đoạn để đạt được sản phẩm KHCN có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất. Việc công nhận giống cây trồng lâm nghiệp mới và các tiến bộ kỹ thuật mới đã được quan tâm và đẩy mạnh. Qua đó đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân sống dựa vào rừng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận kết quả đã đạt được cũng như các thành tựu, tiến bộ kỹ thuật, các giống cây Lâm nghiệp mới và các quy trình kỹ thuật mới giai đoạn 2020-2023 có triển vọng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng rằng các kết quả sẽ tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả; có tính khả thi ứng dụng thực tiễn và phát triển sản phẩm khoa học công nghệ;

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu những định hướng chính của ngành lâm nghiệp trong thời gian tới góp nhằm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông thôn; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam với Sở NN &PTNT tỉnh Yên Bái; Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam; Tập đoàn Than khoáng sản và Công ty cổ phần chế biến gỗ Nội thất Thành Tâm. Hội nghị cũng đã trao các giải thưởng cho các công trình tiêu biểu của ngành theo các lĩnh vực: Lĩnh vực lâm sinh tổng hợp; Lĩnh vực giống và công nghệ sinh học; Lĩnh vực công nghiệp rừng.

TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, cũng đã có những trao đổi cụ thể những công việc có liên quan tới định hướng phát triển ngành lâm nghiệp nhằm triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, của ngành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tăng cường hợp tác, phối hợp trong thời gian tới./.

Hương Lý (t/h)