90% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ mong muốn chuyển đổi số

Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; khoa học công nghệ 7,3%...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước và đang có đóng góp rất tích cực thông qua tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, do sức ép của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế cũng như biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang tạo áp lực rất lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung cũng như khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Trước bối cảnh trên, Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cho rằng, các doanh nghiệp cần nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số vì đó chính là cách thức, công cụ giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua được những biến động, thích ứng được với hoàn cảnh mới, tăng cường năng lực cạnh tranh, hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Theo bà Tuyết Minh, có rất nhiều khảo sát, trước khi có dịch COVID-19 thì mới có 20% các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số, nhưng chỉ sau 6 tháng thì con số tăng lên đến 70%. Cuối năm 2020 thì chúng ta đã có con số là 50% các doanh nghiệp đã từng bước chuyển đổi số.

"Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cũng đã có khảo sát nhanh về tinh thần chuyển đổi số, sự sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thì 90% các doanh nghiệp đều mong muốn được đào tạo, được tập huấn, được tham gia vào chương trình chuyển đổi số. Đây là con số rất đáng mừng, cũng là động thái đầu tiên về thay đổi nhận thức trong các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ", bà Tuyết Minh cho hay.

ban-thu-ky-1661235012.png
Ảnh minh họa.

Hiện, Chính phủ đã kích hoạt một nền kinh tế số, một xã hội số và hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy cho chuyển đổi số nhanh hơn bằng Chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hưởng ứng định hướng phát triển chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đưa ra các đột phá chiến lược như: thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số tạo nền tảng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, thay đổi cơ hội kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm vào thị trường, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo bà Linda Percy, Quyền Phó Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa" của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới sẽ tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ trong chuyển đổi.

Bà Linda Percy thông tin: “Dự án sẽ cung cấp các các dịch vụ tư vấn kinh doanh và các chương trình tập huấn để giúp trang bị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến thức, kỹ năng trong các lĩnh vực chính, gồm liên kết kinh doanh, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ tư vấn về chiến lược kinh doanh, sản xuất và thực hành bán hàng cũng như áp dụng các lộ trình được thiết kế riêng của USAID cho chuyển đổi số, gồm cả việc sử dụng các giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc xuất xứ và thương mại điện tử”.

Hạnh Nguyên (t/h)