Cụ thể, sáng 03/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023. Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước - thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 (kịch bản là 5,6%).
Báo cáo tại Hội nghi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù khẳng định trong bối cảnh khó khăn gia tăng, tình hình kinh tế thế giới không thuận, tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32% là “cơ bản tích cực”, ở mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực, nhưng cũng nhấn mạnh rằng: “Kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức”.
Ngoài ra, việc phối hợp của một số bộ, cơ quan, trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả, kéo dài, lãng phí thời gian, nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Dũng đánh giá, trong bối cảnh khó khăn gia tăng, nhất là tình hình kinh tế thế giới bất ổn, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I/2023 cơ bản là tích cực. Tăng trưởng GDP quý I đạt mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.
Dựa trên tốc độ tăng trưởng 3,32% của quý I, thấp hơn đáng kể so với kịch bản đề ra (5,6%), dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng:
Theo đó, tại kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01 (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%).
Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.
Trong đó, với kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01).
"Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Với 2 kịch bản trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.
Một lần nữa nhấn mạnh những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yêu cầu hiện nay là thực hiện các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn giữa các bộ ngành, địa phương, qua đó tranh thủ các cơ hội, dư địa chính sách đã được Quốc hội quyết nghị để tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Bộ trưởng kiến nghị, sang quý II, các bộ, ngành tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước và tác động đến nước ta, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu; chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023; đẩy nhanh hoàn thuế VAT.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm; khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỉ giá phù hợp với tình hình…/.