CIEM: Dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2023

Tại Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng” sáng 12/1, các chuyên gia cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn so với năm 2022.

Trình bày báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện quyết liệt. Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm chi phí sử dụng xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều nội dung mới, đột phá về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển vùng…

f23e96c1d6a40dfa54b5-1673503326.jpg
Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023". (Ảnh: Hương Lan)

Theo đó, xuất nhập khẩu giữ đà tăng trưởng dương, dù có khó khăn trong quý IV/2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư, ghi dấu ấn xuất siêu 7 năm liên tiếp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 tăng 3,15%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Hoạt động đầu tư đã có sự phục hồi tích cực. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021, cao hơn so với tốc độ tăng đầu tư trước dịch Covid -19.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 13,67% trong quý III/2022, và 5,92% trong quý IV/2022. Tính chung cả năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 8,02%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6-6,5%).

Báo cáo cũng phân tích thực trạng thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Việt Nam. Trong bối cảnh phải đối mặt với vấn đề về tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần trong dài hạn, Việt Nam cũng đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, trong đó bao gồm phát triển kinh tế số. Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số cũng như số hóa trong cung cấp dịch vụ công.

Từ đó, theo Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM, so với các năm trước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus corona và các dịch bệnh mới; mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát. Các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động đến triển vọng kinh tế. Nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...

Từ triển vọng này, CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023. Theo kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%, còn kịch bản 2 là 6,83%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 7,21% trong kịch bản 1 và tăng 8,43% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 8,15 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2023 dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%.

Bên cạnh đó, Báo cáo đề xuất những vấn đề cần cân nhắc nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng về kỹ thuật và pháp lý cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới như xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, xây dựng nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia, tăng cường kết nối, trao đổi dữ liệu liên quan tới thương mại xuyên biên giới với các nước trong khu vực, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan và hoàn thiện khung pháp lý trong hệ thống thanh toán ngân hàng, quản lý và thông quan hàng hóa.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, cơ quan quản lý cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động. Dù đã có nhiều kinh nghiệm, Việt Nam không nên và không thể chỉ dựa vào nghệ thuật điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để “ứng phó” với các bất định, rủi ro ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước. Thay vào đó, Việt Nam càng phải kiên định với định hướng nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đông Nghi