Yên Bái: Ứng phó với rét đậm, rét hại bảo vệ lúa xuân

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái liên tiếp đón nhận những đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại và băng giá tại những huyện vùng cao, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích gieo mạ và lúa xuân mới cấy.

Vụ Xuân 2022, tỉnh Yên Bái dự kiến gieo cấy trên 19.995 ha lúa với khung thời thời vụ gieo cấy đối với trà I và trà II từ ngày 25/1 đến ngày 20/2; trà dự phòng gieo cấy xong trước ngày 10/3. Đến nay, nhiều địa phương vùng thấp cơ bản đã hoàn thành gieo cấy lúa xuân, toàn tỉnh cấy được trên 14 nghìn ha lúa, đạt trên 70% kế hoạch.

Trước diễn biến bất thường, khắc nghiệt của thời tiết những ngày qua, ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, như đã dự báo từ trước về tác hại của rét đậm, rét hại. Do vậy, ngành nông nghiệp đã định hình khung thời vụ, cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng địa phương để bảo đảm an toàn cho cây lúa sinh trưởng. Kịch bản ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại bằng kỹ thuật chống rét cho mạ và lúa đã được ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai kịp thời.

vna-potal-yen-bai-ung-pho-voi-ret-dam-ret-hai-bao-ve-lua-xuan-stand-1645512743.jpeg

Cán bộ phòng nông nghiệp huyện Trạm Tấu xuống ruộng hướng dẫn người dân cấy lúa vụ Xuân năm 2022. Ảnh: TTXVN phát.

Cũng theo ông Điển, điều quan trọng là các địa phương cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chỉ đạo người dân gieo cấy vào thời điểm thích hợp và thực hiện đúng kỹ thuật chống rét. Ngành nông nghiệp đã đề nghị doanh nghiệp kinh doanh giống, vật tư chủ động dự phòng nguồn giống, cung ứng đủ vật tư, phân bón phục vụ sản xuất trong tình huống phải gieo cấy lại. Trường hợp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài thì những diện tích quá khung thời vụ, cần chuyển đổi sang trồng các loại cây màu ngắn ngày.

Là một trong những địa phương vùng thấp đã cơ bản hoàn thành gieo cấy 2.100 ha lúa đông xuân năm nay, ông Vũ Hồng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình (Yên Bái ) cho biết, huyện đã chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp chống rét cho lúa và mạ, cụ thể như: tuyệt đối không cấy vào ngày dưới 13 độ C; thực hiện che phủ nilon cho diện tích mạ dự trữ đã gieo; dưỡng nước đầy đủ, không bón phân đạm, phân NPK đối với lúa mới cấy; bón bổ sung phân chuồng mục, tro bếp giữ ấm cho mạ.

Trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của một trong những địa phương vùng cao, ông Nguyễn Văn Hòe, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu (Yên Bái ) cho biết, để tránh tác hại của rét đậm, rét hại, Trạm Tấu lấy sản xuất trà xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện thời tiết không thuận; sử dụng kỹ thuật làm mạ có mái che nilon và có lớp bùn dày chống rét. Ngoài ra, huyện chỉ đạo nông dân chủ động gieo mạ dự phòng để khắc phục kịp thời diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết rét.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các địa phương tăng cường cán bộ chuyên môn xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét kịp thời cho mạ và lúa.

vna-potal-yen-bai-ung-ppho-voi-ret-dam-ret-hai-bao-ve-lua-xuan-anh-theo-bai-viet-stand-1645512743.jpeg

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trực tiếp xuống ruộng hướng dẫn người dân gieo và chăm sóc mạ vụ Xuân năm 2022. Ảnh: TTXVN

Theo ông Phạm Đình Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết, qua kiểm tra sản xuất tại một số địa phương cho thấy, cơ bản người dân đã tuân thủ những biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ và lúa mới cấy theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. 100% diện tích mạ đã được người dân che phủ nilon, cây mạ phát triển ổn định. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài suốt những ngày qua khiến cây lúa mới cấy sinh trưởng chậm.

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến cáo, vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, bám sát diễn biến của thời tiết, hướng dẫn người dân chăm sóc lúa ngay sau khi trời ấm trở lại; đồng thời, chủ động sớm các biện pháp tích trữ mạ dư thừa hoặc ngâm ủ mạ dự phòng bằng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn,để bảo đảm thời vụ trong tình huống thời tiết bất lợi kéo dài./.