Yên Bái: Huyện Văn Chấn khôi phục vùng cây ăn quả có múi

Dịch vàng lá, thối rễ trên cam, quýt đã làm diện tích cây ăn quả có múi của huyện Văn Chấn chỉ còn hơn 2.000 ha, giảm trên 500 ha so với đầu nhiệm kỳ. Để phát huy lợi thế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân, huyện Văn Chấn đang triển khai kế hoạch khôi phục, phát triển bền vững vùng cây ăn quả có múi.
picture1-1709776045.png
Lãnh đạo huyện Văn Chấn nắm bắt tình hình phát triển diện tích cam tại xã Bình Thuận.

Hơn 5 năm hoành hành, dịch bệnh vàng lá, thối rễ trên cam, quýt đã xóa sổ nhiều diện tích cây ăn quả có múi ở những vùng từng là thủ phủ cam quýt ở Văn Chấn như thị trấn nông trường Trần Phú, Thượng Bằng La, Minh An. Các diện tích cam chết, nhân dân đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khác như ổi, hồng xiêm, nhãn…

Tuy các cây trồng đều phát triển tốt, cho thu nhập khá nhưng giá trị chưa tương xứng với giá trị mà cam, quýt mang lại. Qua khảo sát đánh giá, một số xã như Tân Thịnh, Bình Thuận, Chấn Thịnh nhân dân thực hiện canh tác cam, quýt theo hướng hữu cơ, xử lý đất và lựa chọn cây giống đảm bảo nên hầu hết các diện tích cam, quýt đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Song để phát triển cây ăn quả bền vững, đòi hỏi chi phí trung bình 150 triệu/ha cam đường canh, cam V2. Ngoài ra, trong 4 năm đầu, nhân dân cũng phải đầu tư thêm vật tư, phân bón, công chăm sóc trị giá 50 triệu/ha/năm. Nguồn kinh phí khá lớn đòi hỏi những hộ có điều kiện kinh tế mới có khả năng đầu tư quy mô, đảm bảo các diện tích cây ăn quả phát triển hiệu quả bền vững.

Vì vậy, huyện Văn Chấn đang xem xét xây dựng Đề án hỗ trợ nhân dân khôi phục lại vùng cây ăn quả có múi. Cùng với việc khảo sát, quy hoạch đất đai, hướng dẫn nhân dân trồng, huyện sẽ hỗ trợ một phần giá cây giống để động viên nhân dân.

Hiện nay, huyện Văn Chấn đang chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với khuyến nông và các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá lại vùng trồng, nhu cầu của nhân dân, xây dựng Đề án, Kế hoạch triển khai, để sớm khôi phục lại vùng cây ăn quả có múi tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương./.

Trần Van - Phan Tuấn