Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật giúp bà con nông dân phòng trừ các loại sâu bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng các loại nông sản. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, người dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã không xử lý đúng quy định, mà trực tiếp vứt bỏ tại các cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân, gia sức gia cầm.
Theo ghi nhận thực tế của PV, tại cánh đồng xã Sơn Lễ (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), phường Thạch Quý, xã Thạch Trung ( Tp. Hà Tĩnh)… số lượng lớn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng vứt tại các bờ ruộng, đường đi và cả ở các mương nước.
Trên những bờ cỏ, đường đi xuống ruộng, không khó để bắt gặp các vỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật do người dân bỏ lại sau khi sử dụng, nhiều bao vỏ lâu năm đã lẫn dưới phần đất sâu.
Nhiều nơi, bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật do người dân dùng xong lại vứt nổi lềnh bềnh trên mặt nước, theo dòng nước trôi đến những nơi khác gây ô nhiễm.
Ông Vinh (trú tại xã Thạch Trung, Tp. Hà Tĩnh), cho biết: Chúng tôi làm lúa bị nhiều loại sâu bệnh, chuột và ốc phá hoại liên tục khiến cho việc chăm sóc rất vất vả. Không chỉ bắt thủ công, mà còn phải sử dụng các loại thuốc phòng trừ. Nhưng nhiều khi phun thuốc vẫn không hiệu quả, chúng tôi đành phải phun nhiều lần. Nhiều khi phun thuốc xong thì nhớ để bỏ đúng nơi bỏ rác, nhiều lúc phun xong ruộng này lại đi phun ruộng khác rồi ra về nên quên luôn.
Khi chúng tôi hỏi về tác hại của việc vứt các vỏ thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, người dân trả lời không hề ảnh hưởng đến ô nhiễm nguồn nước cũng như sức khỏe con người.
Để thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, tại các cánh đồng nhiều địa phương đã đặt, xây dựng các bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật để người dân sau khi sử dụng bỏ vào để vảo vệ môi trường, cây trồng vật nuôi.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số bà con nông dân, bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng rất ít hoặc nằm ngay ở các đầu bờ ruộng, rất xa nơi ruộng của họ. Nên sau khi sử dụng, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được bà con bỏ ngay tại chân ruộng.
Điều này rất nguy hiểm khi lượng thuốc dư tồn đọng còn trong các vỏ bao sẽ phát tán trong không khí hoặc ngấm vào đất, mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Theo đó, vụ lúa đông xuân 2023, nông dân Hà Tĩnh canh tác khoảng 59.500 ha. Thời tiết đầu năm Qúy Mão khá thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân sản xuất.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trí Hà - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, cho biết: Thời gian qua, có một số người dân ý thức chưa tốt, sau khi sử dụng chưa bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu đúng nơi quy định. Họ vứt các bao thuốc đã sử dụng tại các kênh nước khiến diện tích bị ô nhiễm lan rộng.Thời gian qua, phía cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Thông qua các đợt tập huấn, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan đã nhiều lần hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Hiện tại chưa có cơ chế, chế tài để xử lý việc này. Cơ bản vẫn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của bà con nông dân.
Thời gian qua, hội nông dân các cấp tại tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân./.