“Xanh hoá” người tiêu dùng - Nâng tầm giá trị hàng Việt

Hướng đến sự toàn diện trong hành trình chuyển đổi xanh, từ quy trình sản xuất đến tiêu chuẩn môi trường và người tiêu dùng, ngày 7/6, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chính thức phát động “Chiến dịch Tiêu dùng Xanh 2025” với chủ đề “Thương hiệu xanh - Đậm sắc Việt”.

Năm nay, chương trình “Thương hiệu xanh – Đậm sắc Việt”, hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp – đặc biệt là các nhà cung ứng trong chuỗi phân phối Saigon Co.op – xây dựng một bản sắc thương hiệu mang tính bền vững. Không dừng lại ở việc quảng bá, chiến dịch tập trung giúp doanh nghiệp kể một câu chuyện chân thực về hành trình chuyển đổi xanh của mình: từ quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, tiêu chuẩn môi trường cho đến trách nhiệm xã hội.

tieu-dung-xanh-1749295097.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op. (Ảnh: Võ Nga)

Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, mục tiêu xuyên suốt của Chiến dịch Tiêu dùng Xanh hướng tới hỗ trợ cộng đồng nhận diện rõ sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phát huy quyền của người tiêu dùng - quyền ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Đây là chiến dịch độc quyền, phát huy sức mạnh dẫn dắt thị trường hướng đến lối sống xanh, góp phần mở rộng thị phần cho doanh nghiệp xanh, hỗ trợ người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm thương hiệu hàng Việt chuẩn Xanh thông qua hệ thống cung ứng hàng hoá của Saigon Co.op.

“Suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã dành ưu tiên đặc biệt cho các sản phẩm thân thiện môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp “xanh hoá” thương hiệu thông qua: Khu vực trưng bày riêng biệt cho sản phẩm “Xanh”; Chính sách kích cầu hướng xanh như khuyến mãi định hướng sản phẩm xanh, quảng bá sản phẩm xanh; Đặc biệt là các hoạt động truyền thông xuyên suốt, minh bạch và kết nối niềm tin giữa thương hiệu và người tiêu dùng.”, ông Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ thêm.

"Thương hiệu Xanh - Đậm sắc Việt": Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. (Ảnh: Võ Nga).
"Thương hiệu Xanh - Đậm sắc Việt": Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. (Ảnh: Võ Nga).

Năm 2025, là 1 năm bản lề, khi hàng loạt thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Úc siết chặt các tiêu chuẩn phát thải, xuất sứ và đạo đức sản xuất. Trong bối cảnh này, “Hộ chiếu xanh” không còn là lợi thế, mà sẽ là điều kiện bắt buộc để hàng Việt hội nhập. Và tại thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng đang ngày càng khắt khe, đòi hỏi sản phẩm không chỉ tốt mà quá trình sản xuấ cũng phải thân thiện. Hơn nữa, “Thương hiệu xanh - Đậm sắc Việt” - chiến dịch tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa thương hiệu xanh và người tiêu dùng xanh.

Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Hồng Sương - Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, suốt 16 năm hình thành và phát triển Chiến dịch Tiêu dùng Xanh đã không chỉ hoàn thành sứ mệnh tuyên truyền, mà còn tiên phong kiến tạo nên một hệ sinh thái tiêu dùng mới – nơi giá trị môi trường, đạo đức sản xuất và trách nhiệm xã hội dần trở thành tiêu chuẩn lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Trong suốt hành trình đó, nhiều chương trình đặc thù đã được khởi xướng và duy trì xuyên suốt, góp phần làm giàu nền tảng nhận thức cộng đồng về tiêu dùng có trách nhiệm.

Bà Bùi Thị Hồng Sương - Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng.(Ảnh: Võ Nga).
Bà Bùi Thị Hồng Sương - Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng.(Ảnh: Võ Nga)

Nổi bật trong chuỗi hoạt động có thể kể đến các sáng kiến như Dự án nhận diện sản phẩm xanh, Tiếp sức người tiêu dùng xanh, Chuyển động xanh, Thử thách xanh, Trường học Xanh, Shopping Marathon – Gia đình Xanh, Trải nghiệm xanh đồng hành cùng doanh nghiệp... Các chương trình này không chỉ đơn thuần mang tính vận động, mà đã trở thành một phần của chiến lược truyền thông xanh bền vững. Thông qua sự phối hợp giữa thông tin minh bạch của doanh nghiệp và hoạt động giáo dục cộng đồng, các dự án này từng bước hình thành thói quen tiêu dùng xanh mang tính dài hạn trong xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Hơn nữa, theo hệ thống Saigon Co.op, hiệu quả chiến dịch được thấy rõ, mỗi tháng 6 – thời điểm cao trào của Tiêu dùng Xanh – doanh số tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp có cam kết môi trường tăng từ 50-60% tại hơn 800 điểm bán.

Hưởng ứng chủ đề "tin chọn sản phẩm tíck xanh chất lượng" tại Co.op mart Lý Thường Kiệt, Quận 10. (Ảnh: Võ Nga).
Hưởng ứng chủ đề "tin chọn sản phẩm tíck xanh chất lượng" tại Co.op Mart Lý Thường Kiệt, Quận 10. (Ảnh: Võ Nga).

Ngoài ra, Saigon Co.op hưởng ứng chương trình Tiêu dùng xanh bằng một chuỗi hoạt động thiết thực. Mở đầu là Lễ hội Mận hậu Sơn La diễn ra 800 điểm bán trên toàn quốc bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, Sense Market, Co.op Online. Năm nay, Co.opmart, Co.opXtra thu mua trực tiếp từ các đối tác có liên kết với các hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, dự kiến tiêu thụ 250 tấn mận hậu Sơn La, tăng 20% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sơn La. (Ảnh: Võ Nga).
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sơn La. (Ảnh: Võ Nga)

Theo ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sơn La cho biết, nhiều năm qua tỉnh Sơn La đã đồng hành cùng với các hệ thống bán lẻ, mong muốn đồng hành đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, cụ thể là trái cây đến với tất cả người tiêu dùng trên cả nước. Điển hình, Mận hậu Sơn La vượt hàng nghìn kilomet và đang được trưng bày tại Saigon Co.op hôm nay chính là minh chứng rằng nền nông nghiệp xanh và tiêu dùng xanh sẽ đồng hành trên tất cả các hệ thống bán lẻ cũng như người tiêu dùng khắp cả nước. Đặc biệt, mong muốn người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Saigon Co.op hỗ trợ đối tác kinh doanh, thường xuyên thực hiện chương trình khuyến mãi đưa giá mận hậu Sơn La tại hệ thống đạt mức tốt nhất thị trường.

Mận hậu Sơn La - đạt chuẩn nông sản xanh. (Ảnh: Võ Nga).
Mận hậu Sơn La - đạt chuẩn nông sản xanh. (Ảnh: Võ Nga).

Thông qua chiến dịch, người tiêu dùng được cung cấp thông tin minh bạch để nhận diện sản phẩm xanh; doanh nghiệp được hỗ trợ kết nối thị trường, còn các nhà hoạch định chính sách có thêm cơ sở thực tiễn để thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh doanh xanh và xây dựng thương hiệu quốc gia theo tiêu chí bền vững.

Các đại biểu cắt dây băng biểu tượng "Tôi chọn tiêu dùng xanh". (Ảnh: Võ Nga).
Các đại biểu cắt dây băng biểu tượng "Tôi chọn tiêu dùng xanh". (Ảnh: Võ Nga).

Hiện, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động thích ứng, đầu tư vào sản xuất vải tái chế, hướng đến thị trường xanh tiêu chuẩn cao. Điều đáng nói là không chỉ mở đường cho xuất khẩu, “xanh hóa” còn trở thành lợi thế tại chính thị trường nội địa. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, môi trường và sự công bằng, thương hiệu nào chứng minh được cam kết xanh một cách thuyết phục sẽ chiếm lĩnh niềm tin và vị thế bền vững hơn. Đây chính là “tấm hộ chiếu xanh” giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, chinh phục người tiêu dùng thế hệ mới, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên hậu COVID và chuyển đổi số.

Võ Nga