WTO: Đàm phán về thỏa thuận chấm dứt trợ cấp nghề cá có tiến triển lớn

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala ngày 8/11 cho biết các cuộc đàm phán về vấn đề trợ cấp nghề cá đã đạt được những tiến triển đáng kể và có thể đi đến một thỏa thuận trong vài tuần tới.
4ock2pv6bjpuhdwiqr2ynez2xm-1636431556.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: reuters.com)

Bình luận trên được đưa ra sau khi Đại sứ Colombia (Cô-lôm-bi-a) tại WTO Santiago Wills, người chủ trì các cuộc đàm phán về trợ cấp nghề cá, đã trình bày một văn bản đàm phán cập nhât sau các cuộc đàm phán gần đây.

Ông Wills cho biết các nhà đàm phán sẽ bắt đầu xem xét từng điều khoản trong văn bản nói trên vào ngày 9/11, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trước khi bộ trưởng các nước nhóm họp cấp cao vào cuối tháng này, với kỳ vọng đạt được một thỏa thuận.

Nằm trong số những thay đổi được đưa ra trong văn bản cập nhật mới nhất là việc mở rộng cách diễn đạt để bao gồm việc cấm lao động cưỡng bức trên các tàu đánh cá theo đề xuất của Mỹ. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng "tình trạng lao động cưỡng bức không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sinh kế của người lao động, mà đó còn là một dạng trợ cấp và góp phần thúc đẩy hoạt động đánh cá quá mức".

Tuy nhiên, việc đưa vấn đề này vào thỏa thuận về trợ cấp nghề cá vẫn còn gây tranh cãi. Ông Wills cho biết việc bổ sung vấn đề này vẫn còn phải đàm phán thêm.

Bên cạnh đó, văn bản nói trên còn có một điểm mới nhằm giải quyết yêu cầu của Liên hợp quốc (LHQ) rằng các nước đang phát triển và các nước nghèo nhất cần nhận được đối xử đặc biệt và khác biệt (SDT).

Trong khi phần lớn các bên chấp nhận việc đối xử đặc biệt với các nước nghèo nhất, nhưng sẽ khó đồng ý với yêu cầu được miễn tuân thủ các hạn chế về trợ cấp từ một số nước tự nhận danh xưng “quốc gia đang phát triển” trong WTO. Nhiều nước có ngành đánh cá lớn đang được WTO xem là các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, quốc gia hiện đang sở hữu một trong những đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới.

Ông Wills cho biết văn bản cập nhật mới nhất đã “là một bước tiến lớn” hướng đến việc cân nhắc các yêu cầu được miễn lệnh cấm trợ cấp nghề cá từ các nước thu nhập thấp và kém phát triển nhất. Trong khi đó, các nước đang phát triển có tỷ trọng cao hơn trong sản lượng đánh bắt cá toàn cầu sẽ được hưởng một giai đoạn chuyển tiếp miễn tuân thủ lệnh cấm nói trên, dù khoảng thời gian chuyển tiếp này vẫn đang được đàm phán.

Bà Okonjo-Iweala đã hoan nghênh văn bản cập nhật này là một sự tái cân bằng đáng kể của các điều khoản đang gây tranh cãi./.