Vĩnh Phúc: Đối thoại chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

Sáng 27/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi đối thoại chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - vai trò của nhà trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và địa phương.

Tới dự có các đồng chí: Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. 

ngay2732022ongvandt-1648425802.jpg
Các đại biểu dự cuộc đối thoại

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp, trong đó có Quyết định số 1655 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện Đề án vẫn còn nhiều khó khăn do gia đình, nhà trường chưa cân bằng được giữa học tập văn hóa với hoạt động khởi nghiệp của học sinh; nội dung đào tạo kỹ năng về khởi nghiệp chưa được giảng dạy cho học sinh trong các hoạt động ngoài giờ chính khóa.

Việc xây dựng không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên mới chỉ ở dạng như thư viện mở và chưa đúng với mô hình không gian hỗ trợ khởi nghiệp; trang thiết bị, tài liệu còn hạn chế; nhiều trường chưa xây dựng được các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp….

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn tại buổi đối thoại, học sinh, sinh viên sẽ mạnh dạn đưa ra các câu hỏi, nhất là các vấn đề liên quan đến các cơ chế, chính sách; các diễn giả tập trung đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển toàn diện, giúp học sinh, sinh viên có thêm động lực, hứng khởi khởi nghiệp.

Tại buổi đối thoại, học sinh, sinh viên được nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, các diễn giả chia sẻ, đưa ra các sáng kiến, giải pháp làm sáng tỏ hơn 2 chủ đề: Cơ sở pháp lý, thực tiễn đào tạo và kinh nghiệm tổ chức phát triển hoạt động khởi nghiệp gắn với địa phương; cơ sở pháp lý, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ, thành lập quỹ/vườn ươm. Cùng với đó là các giải pháp để huy động nguồn lực, định hướng đổi mới sáng tạo, cách tiếp cận nguồn vốn, thị trường…

Đồng thời, được trao đổi, giải đáp các vấn đề liên quan đến các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Vĩnh Phúc; định hướng gắn kết doanh nghiệp với các trường phổ thông; việc tạo lập môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, hướng nghiệp; việc hình thành cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục; các cơ chế, chính sách về nghiên cứu khoa học, công nghệ, khởi nghiệp./.

Thanh Nga