Vĩnh Long mở đường cho nông sản xuất khẩu nhờ đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng

Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông sản, những trái cây nổi tiếng của Vĩnh Long như: nhãn, mít, sầu riêng, cam, bưởi, măng cụt, lúa, ổi... đã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... Có được thành công này nhờ triển khai tốt việc quản lý và cấp mã số vùng trồng tại địa phương.
nong-san-vinh-long-1-1718350920.jpg
Vĩnh Long là một trong những địa phương có thế mạnh về nông sản, những trái cây nổi tiếng như: nhãn, mít, sầu riêng, cam, bưởi, măng cụt, lúa, ổi... (Ảnh minh họa)

Từ đầu năm đến nay tỉnh Vĩnh Long cấp mới 22 mã số vùng trồng (MSVT) với diện tích cây trồng là hơn 543 ha, gồm: 14 MSVT xuất khẩu (diện tích 461 ha) và 8 MSVT nội địa (diện tích 82 ha).

Bên cạnh việc cấp mới ngành nông nghiệp Vĩnh Long quan tâm phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát các mã số vùng trồng (MSVT) đã cấp, để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, mạnh dạn thu hồi các mã số không còn đạt yêu cầu. Chí tỉnh riêng năm ngoái Vĩnh Long đã rút 16 mã số vùng trồng do nhiều nguyên nhân.

Để đẩy nhanh tiến độ cấp MSVT cũng như duy trì các MSVT đã được cấp, phòng ngừa gian lận, hạn chế các MSVT bị thu hồi, phát triển MSVT mới phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tốt với các địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động hướng dẫn các chủ thể nông dân, tổ hợp tác, HTX xây dựng hồ sơ thủ tục MSVT. Đồng thời tiến hành kiểm tra giám sát vùng trồng xuất khẩu và vùng trồng nội địa đã cấp.

nong-san-vinh-long-3-1718350904.jpg
Xoài của HTX Quới An (huyện Vũng Liêm) đã được cấp mã số vùng trồng bà con rất yên tâm sản xuất. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 131 mã số vùng trồng (MSVT) đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... với các loại cây như: sầu riêng, mít, chôm chôm, nhãn, khoai lang, bưởi,... 82 MSVT nội địa với diện tích trên 1.000ha trên các loại cây như nhãn, mít, sầu riêng, cam, bưởi, măng cụt, lúa, ổi, rau các loại; 12 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thời gian qua, nhiều mặt hàng trái cây của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch với diện tích vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu gần 3.000ha.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tăng cường tuyên truyền vai trò và ý nghĩa của thực hiện MSVT; áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, hướng đến sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, đạt các tiêu chuẩn về sản xuất của nước xuất khẩu, đảm bảo tốt công tác kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản.

nong-san-vinh-long-2-1718351054.jpg
Ngành Nông nghiệp Vĩnh Long tăng cường tuyên truyền vai trò và ý nghĩa của thực hiện MSVT nhằm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản. (Ảnh minh họa)

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng, duy trì việc thực hiện các quy định về MSVT, cơ sở đóng gói, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả MSVT, cơ sở đóng gói được cấp. Bên cạnh đó, tăng cường tính liên kết của doanh nghiệp xuất khẩu với vùng trồng trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh…

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công cho Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương quan tâm xây dựng các mã số vùng trồng, phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các mã số cơ sở đóng gói để chúng ta thực hiện tốt các khâu xuất khẩu nông sản. Thực hiện nhiều cuộc tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân cũng như chính quyền địa phương, đặc biệt là những vùng có đủ điều kiện để tham gia thị trường xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Liêm, cho biết thêm./.

Bình Nguyên