Đẩy mạnh hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và Tứ Xuyên

Ngày 03/4/2023 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và Tứ Xuyên (Trung Quốc) có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu chính ngạch hai chiều các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022 và tận dụng cơ hội Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 8/01/2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Hội nghị do ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và bà Hoàng Lê - Chủ nhiệm Ủy ban Xúc tiến Thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) đồng chủ trì.

Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương. Về phía Trung Quốc có lãnh đạo các địa phương của tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) và khoảng 100 doanh nghiệp, công ty, tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Trung Quốc tham dự.

1-1680537575.jpg
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên).

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam”.

“Hiện nay, trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã cơ bản khôi phục như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, có thể thấy tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) còn rất lớn”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại và đại diện Ủy ban Xúc tiến Thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) giới thiệu về các cơ hội hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. Các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư ngành Công Thương giữa Cục Xúc tiến Thương mại và Ủy ban Xúc tiến Thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) và Lễ ký 3 Bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc. Thông qua việc ký kết các Bản ghi nhớ, hai bên sẽ có thêm cơ sở để tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên).

Bà Hoàng Lê - Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác xuống phía Nam, trong đó có Việt Nam. Đất nước các bạn có tiềm năng thương mại to lớn với chúng tôi. Sau hội nghị hôm nay, chúng ta có thể thiết lập thêm những kênh ngoại giao thuận tiện, trực tiếp hơn cho doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương giúp chúng tôi tổ chức nhiều hơn hoạt động như thế này để doanh nghiệp hai bên cùng tìm hiểu, tiến tới hợp tác và cùng phát triển”.

2-1680537651.jpg
Bà Hoàng Lê - Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên) là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.

Trước đó, vào ngày 18/4/2022, Trung Quốc khai trương chuyến tàu chở hàng đầu tiên từ Thành Đô đến Hà Nội mang tên “Song Lưu”. Đây là mô hình liên vận tải quốc tế đường không - đường sắt. Việc mở ra chuyến tàu góp phần cải thiện hơn nữa mạng lưới vận tải hàng không, đường biển, đường bộ phía Tây Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp nước này tận dụng tối đa các cơ hội kết nối với Asean.

Cũng trong năm 2022, ngày 11/6, tuyến vận tải đường bộ cao tốc xuyên biên giới Asean Việt Nam - Tứ Xuyên được thông xe hai chiều. Sau đó, vào 29/9, Trung Quốc tiếp tục khai trương chuyến tàu vận tải thẳng từ Thành Đô đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) mở ra một kênh hậu cần quốc tế mới, an toàn và nhanh chóng. Lô hàng đầu tiên được vận chuyển từ Tứ Xuyên, đi qua các cảng Đông Hưng, Bằng Tường và đến Hà Nội sau 6 ngày.

3-1680537683.jpg
Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc) ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

Được biết, Tứ Xuyên là tỉnh trung tâm của miền Tây Trung Quốc, có tỉnh lị là Thành Đô, một trong những trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng của Trung Quốc. Khoảng cách từ Hà Nội đến Thành Đô khoảng 1460km, tương đương với 3h di chuyển bằng máy bay và 18h di chuyển bằng ô tô.

Tứ Xuyên có lịch sử lâu đời, cảnh quan đẹp, sản vật phong phú. Năm 2018, dân số Tứ Xuyên là 83 triệu người; là tỉnh đứng thứ 6 về kinh tế trong nền kinh tế Trung Quốc với GDP đạt 4.068 tỷ NDT (615,4 tỷ USD) tương ứng với GDP của Đài Loan (Trung Quốc).

Tứ Xuyên có vị thế quan trọng, nằm trong các quy hoạch chiến lược phát triển liên kết vùng trọng điểm của Trung Quốc như “Tuyến đường liên vận quốc tế trên bộ - trên biển mới”, “Vành đai kinh tế sông Trường Giang”, chiến lược “Song Thành” (Trùng Khánh - Thành Đô), tuyến đường sắt Trung Quốc - Châu Âu. Do đó, Tứ Xuyên có vai trò kết nối liên thông giữa khu vực nội địa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Với tiềm lực dân số đông, thế mạnh về du lịch, thế mạnh về công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, khai khoáng và cơ sở giao thông vận tải hiện đại, Trung Quốc (Tứ Xuyên) đã, đang và sẽ là đối tác tiềm năng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực./.

Đạm Quang Lê