Việt Nam sẽ tháo gỡ vướng mắc và sẵn sàng tiếp nhận nguồn vốn cho các dự án chuyển đổi năng lượng

Trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm các vướng mắc về pháp lý, đồng thời triển khai thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời với giải pháp lưu trữ điện năng, cấp điện linh hoạt…

Trên đây là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi tiếp bà Mary L.Schapiro, Phó Chủ tịch Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (GFANZ) vào sáng 27/3.

pho-thu-tuong-lam-viec-chuyen-doi-nang-luong-01-1711586787.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với bà Mary L.Schapiro. (Ảnh: VGP)

Tại buổi tiếp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp lý cho chuyển đổi xanh.

Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo, nhưng chưa giải được bài toán công nghệ như bảo đảm cân bằng, ổn định của lưới điện quốc gia, sản xuất, sử dụng hydro xanh, amoniac xanh, các giải pháp lưu trữ điện năng, xuất khẩu điện.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm các vướng mắc về pháp lý, đồng thời triển khai thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời với giải pháp lưu trữ điện năng, cấp điện linh hoạt…

pho-thu-tuong-lam-viec-chuyen-doi-nang-luong-02-1711586824.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bà Mary L.Schapiro và lãnh đạo một số bộ, ngành, thành viên đoàn công tác GFANZ tại buổi tiếp. (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã có những dự án chuyển đổi năng lượng cụ thể như tăng công suất các nhà máy thuỷ điện kết hợp với điện mặt trời, điện gió, phát triển điện sinh khối, thực hiện trung hoà carbon, chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải khí mê-tan trong 1 triệu ha lúa, phát triển 5.000 MW điệp mặt trời áp mái…; và cần hỗ trợ về tài chính để sớm triển khai.

Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn được trợ giúp về kỹ thuật, chuyên gia trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chuyển giao công nghệ, đánh giá tính khả thi của các trung tâm năng lượng, điện gió ngoài khơi…

“GFANZ cần xây dựng cơ chế tài chính rõ ràng về trách nhiệm của các bên (chính phủ, tổ chức tài chính, doanh nghiệp…), tính đặc thù của nguồn vốn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, và nhanh chóng cụ thể hoá bằng các dự án vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Phải có cam kết cụ thể về tài chính, chuyển giao công nghệ từ các nước G7 và đối tác quốc tế trong Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

pho-thu-tuong-lam-viec-chuyen-doi-nang-luong-03-1711586776.jpg
Việt Nam mong muốn được trợ giúp về kỹ thuật, chuyên gia trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chuyển giao công nghệ, đánh giá tính khả thi của các trung tâm năng lượng, điện gió ngoài khơi… (Ảnh minh họa)

Về phần mình, bà Mary L.Schapiro, Phó Chủ tịch Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (GFANZ) đã chia sẻ quá trình chuyển động của các tổ chức tài chính toàn cầu trong việc huy động nguồn vốn cho các dự án chuyển đổi năng lượng, cũng như thách thức đối với nhiều ngành kinh tế.

Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng, lãnh đạo GFANZ mong muốn nhận được yêu cầu, đề xuất rõ ràng từ các bộ, ngành của Việt Nam về cơ chế huy động nguồn vốn trên thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp đầu tư liên quan tới phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng hoá thạch, sản xuất nhiên liệu xanh từ điện mặt trời, điện gió ngoài khơi…

GFANZ cũng sẽ dành những khoản tài chính cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo./.

Năm 2022, Việt Nam cùng nhóm các nước đối tác quốc tế (International Partners Group - IPG), đứng đầu là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, đã thiết lập thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP). Thỏa thuận JETP được ký kết vào ngày 14/12/2022 và sẽ có ít nhất 15,5 tỷ USD được tài trợ cho vay ưu đãi trong khoảng 3 - 5 năm cho hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, một nửa số đó được huy động từ tài chính khu vực công với các điều khoản ưu đãi hơn thông thường.

Một nửa còn lại được huy động và tạo điều kiện từ tài chính tư nhân để Việt Nam đạt đỉnh thải toàn bộ khí nhà kính vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế. Số tiền cho giai đoạn sau có thể cao hơn nếu Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế. Cả IPG và GFANZ sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xác định các cơ hội triển khai tài chính một cách nhanh chóng.

Trọng Bình