Theo thông tin của hãng tin Bloomberg, năm 2022, Việt Nam giữ vị thế là 1 trong 7 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giữ vị thế này với việc trên đà vượt qua Vương quốc Anh khỏi vị trí lâu năm trong số 7 đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, hàng đi Mỹ chiếm gần 30% thị phần hàng hoá xuất nhập khẩu quốc tế qua cảng biển khu vực Lạch Huyện, Hải Phòng trong năm 2022.
Ông Vũ Tú Nam, Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng tại Cát Hải cho biết: "Chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan cùng các cảng và các hãng tàu đưa ra các giải pháp nhằm di chuyển các container tồn đọng tại cảng ra các bãi bên ngoài, tạo điều kiện cho cảng có không gian xếp dỡ hàng hóa".
Việt Nam hiện có khoảng 25 tuyến vận tải đi Mỹ, chủ yếu tập trung ở 2 bến cảng nước sâu là Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Lạch Huyện, Hải Phòng. Việc kết nối trực tiếp các tuyến vận tải đi Mỹ đã giúp rút ngắn 1/3 thời gian di chuyển. Cùng với đó, chi phí xếp dỡ, dịch vụ hàng hải cạnh tranh cũng tạo lợi thế để hàng hoá qua cảng biển tăng trưởng.
"Kim ngạch quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ tăng trưởng khá khả quan trong năm 2022. Lần đầu tiên chúng ta cán mốc xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 100 tỷ USD. Chúng tôi sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy kết nối, các môi trường số đối với hoạt động của cảng biển, từ đó giúp cho hàng hóa có thể đi nhanh nhất, thuận tiện nhất với chi phí rẻ nhất, từ đó thúc đẩy xuất nhập khẩu", ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thông tin.
Dù tăng trưởng tích cực trong năm 2022, tuy nhiên bước sang tháng đầu năm nay, một số cảng biển cho biết, hàng xuất nhập khẩu đã có dấu hiệu sụt giảm do nhu cầu của nhiều thị trường trên thế giới.
Do vậy, các giải pháp tăng cường kết nối, đầu tư nâng cấp hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để giữ mục tiêu tăng trưởng hàng hoá cũng cần sớm được tính đến.