Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn gạo chất lượng cao

Để thúc đẩy sự phát triển ngành hàng lúa gạo trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn IRRI hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn gạo chất lượng cao, gắn với thương hiệu gạo giảm phát thải; Tạo cơ sở để Việt Nam đưa ra các cơ chế, chính sách và hình thành, phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Thông tin trên là đề xuất của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam trong buổi làm việc với bà Yvonne Pinto, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).

hop-tac-nong-nghiep-01-1717748910.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ một số thông tin về tình hình phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc IRRI, cùng đoàn. (Ảnh minh họa)

Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của IRRI

Thông tin tại buổi làm việc với bà Tổng Giám đốc IRRI, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam là một trong những trung tâm nguyên liệu lúa gạo nổi tiếng trên thế giới. Hàng năm, Việt Nam sản xuất trên 43 triệu tấn lúa, riêng vùng ĐBSCL có khoảng 24 triệu tấn/năm. Đây là vùng nguyên liệu dồi dào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào thị trường gạo quốc tế.

Chặng đường phát triển vừa qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của IRRI. Đến nay phần lớn các giống lúa của Việt Nam được phát triển từ các kết quả nghiên cứu của đơn vị, trong đó có khoảng 25 bộ giống lúa mang thương hiệu IRRI đã được chuyển giao.

hop-tac-nong-nghiep-02-1717748942.jpg
Thời gian qua, IRRI là đối tác quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Điều đó chứng minh sự hợp tác của IRRI và các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT rất chặt chẽ. Không những chuyển giao giống lúa mà còn hỗ trợ công tác đào tạo và nhiều lĩnh vực khác trong ngành hàng lúa gạo.

Cuộc gặp gỡ ngày hôm nay là dấu mốc quan trọng, trong bối cảnh Bộ NN&PTNT Việt Nam đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, trong đó có IRRI triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là đề án đầu tiên trên thế giới do Chính phủ Việt Nam chỉ đạo thực hiện toàn diện.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vượt ra khỏi không gian quốc gia

Để thúc đẩy sự phát triển ngành hàng lúa gạo trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn IRRI hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn gạo chất lượng cao, gắn với thương hiệu gạo giảm phát thải. Hỗ trợ chia sẻ những kết quả nghiên cứu về các nguồn gen để phát triển các giống lúa có khả năng thích ứng với hạn mặn và các giống lúa có chỉ số đường huyết thấp.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT kiến nghị IRRI hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tạo cơ sở để Việt Nam đưa ra các cơ chế, chính sách và hình thành, phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, trên cơ sở triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Thứ trưởng kiến nghị IRRI đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghệ số trong quản lý dinh dưỡng, dự báo sâu bệnh, quản lý canh tác và truy xuất nguồn gốc. Cuối cùng là đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và IRRI đi vào chiều sâu, đặc biệt là với Viện Lúa ĐBSCL, một đơn vị nghiên cứu chủ lực của Bộ.

hop-tac-nong-nghiep-03-1717748900.jpg
Theo bà Yvonne Pinto, ý nghĩa của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã vượt ra khỏi không gian của một quốc gia và vươn ra toàn thế giới. (Ảnh minh họa)

Ghi nhận những kiến nghị trên, bà Yvonne Pinto cam kết mạnh mẽ tăng cường quan hệ hợp tác giữa IRRI và Việt Nam trong thời gian tới. Bà Tổng Giám đốc IRRI nhấn mạnh, từ thời điểm Việt Nam triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đã nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Ý nghĩa của đề án đã vượt ra khỏi không gian của một quốc gia và vươn ra toàn thế giới. Việt Nam đã có tầm nhìn về chuyển biến của thế giới và thực hiện đề án rất ý nghĩa này. Đây sẽ là cơ hội tốt để các quốc gia khác học hỏi”, bà Yvonne Pinto đánh giá.

Đối với 4 kiến nghị của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, bà Yvonne Pinto cho biết, tại IRRI các nhà khoa học đã có những nghiên cứu thị trường, góc nhìn của người tiêu dùng đối với vấn đề phát triển bền vững. IRRI có thể chia sẻ những kết quả nghiên cứu này đến các cơ quan chuyên môn của Bộ. Hiện nay, IRRI đang xây dựng nhiều bộ công cụ số và sẵn sàng chia sẻ với Bộ NN&PTNT./.

Bình Nguyên