Vì sao các địa phương vẫn gặp khó trong bố trí và quản lý vốn phát triển tăng trưởng xanh?

Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho thấy, việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 tại các địa phương vẫn chưa thực sự hiệu quả trong việc bố trí và quản lý vốn.
nguon-luc-tang-truong-xanh-02-1712024074.jpg
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2021. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng Xanh, bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Mục tiêu hướng tới nền kinh tế Xanh, trung hòa carbon, nhằm đạt được sự bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra việc bố trí và quản lý vốn vẫn chưa thực sự hiệu quả tại các địa phương.

Các địa phương bố trí và quản lý vốn chưa hiệu quả

Tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng Xanh giai đoạn 2016-2020. Tổng số vốn ngân sách trung ương được duyệt là 15.866 tỷ đồng (gồm 15.470 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 396 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Trong số đó, vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí hằng năm là 15.120 tỷ đồng, giải ngân là 12.365 tỷ đồng và vốn sự nghiệp bố trí là 357 tỷ đồng, số đã giao là 231 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân là 1.658 tỷ đồng.

KTNN đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã chủ trì triển khai Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 theo nhiệm vụ được giao là chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã chủ trì thẩm định, cân đối và bố trí vốn đầu tư phát triển của Chương trình (trong vai trò chủ Hợp phần Tăng trưởng xanh).

Các đơn vị được bố trí vốn thực hiện Chương trình đã có nhiều cố gắng để thực hiện các mục tiêu, nội dung đề ra. Các dự án, nhiệm vụ đã hoàn thành góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và tài sản.

KTNN cũng ghi nhận, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt thiết kế - dự toán, lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng, quản lý chi phí, quản lý tiến độ, quản lý chất lượng cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Các dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch được duyệt, trong thực hiện không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tính đến hết năm 2020, một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần hoàn thành một số mục tiêu của dự án.

nguon-luc-tang-truong-xanh-03-1712024029.jpg
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng Xanh, bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, số liệu tại 29 dự án kiểm toán chi tiết cho thấy giá trị nghiệm thu theo số báo cáo và kiểm toán chênh lệch 6 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng còn lại chênh lệch 66 tỷ đồng và giá trị dự toán được duyệt chênh lệch 12 tỷ đồng.

Theo KTNN, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các địa phương chưa giao hết số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương được duyệt do một số dự án không còn nhu cầu vốn hoặc chưa đầy đủ thủ tục đầu tư…

Đơn cử, vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn đạt 98,4% (trong đó, số chưa giao gồm vốn ODA 56 tỷ đồng và vốn trong nước 191 tỷ đồng). Theo đó, lũy kế bố trí hằng năm đạt 97% so với số dự kiến thực hiện Chương trình và 99% so với số vốn đã giao kế hoạch.

Về tình hình giải ngân vốn nguồn ngân sách Trung ương, tính đến hết năm 2020, các địa phương thực hiện đạt 82% số vốn đã bố trí (trong đó vốn ODA đạt 12.137 tỷ đồng và vốn trong nước đạt 227 tỷ đồng). Kiểm toán chỉ ra nguyên nhân chưa giải ngân hết vốn kế hoạch do một số dự án quá thời gian giải ngân, không còn nhiệm vụ hoặc được phép giải ngân sang năm tiếp theo.

Theo phát hiện của KTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa rà soát và tổng hợp đối với các dự án được bố trí vốn nhưng quá thời gian giải ngân hoặc vượt so với tổng mức đầu tư điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định.

Cụ thể, có 5 dự án đã vốn trí vốn cao hơn so với tổng mức đầu tư điều chỉnh sau khi giao vốn là 71 tỷ đồng; 27 dự án với số vốn 314 tỷ đồng đã bố trí nhưng chưa giải ngân hết và quá thời gian giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công. Ngoài ra, có 8 dự án đã được bố trí vốn 225 tỷ đồng mà chưa giải ngân hết và quá thời gian giải ngân theo quy định nhưng các địa phương đã có văn bản đề xuất kéo dài tiếp tục giải ngân trong năm 2021.

Đối với 357 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020, số đã phân bổ chiếm 64,7% trên số dự kiến. Số không phân bổ là 126 tỷ đồng, nguyên nhân chậm triển khai, hoặc thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp khác, hay một số nhiệm vụ kinh phí thực hiện thấp hơn dự toán.

Với nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn khác, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy có nhiều dự án các chủ đầu tư và các địa phương bố trí, giải ngân vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn khác còn thấp so với tỷ lệ số vốn ngân sách trung ương đã bố trí.

Cụ thể, có 11 dự án vốn ngân sách địa phương và vốn khác được phê duyệt đầu tư 459 tỷ đồng nhưng chưa được bố trí, trong khi vốn ngân sách Trung ương đã bố trí 1.777 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,5%; Có 6 dự án vốn ngân sách địa phương và vốn khác được phê duyệt đầu tư 1.297 tỷ đồng nhưng mới bố trí được 70 tỷ đồng và đạt 5,4%, trong khi vốn ngân sách Trung ương đã bố trí 911 tỷ đồng, đạt 100%.

Nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh còn thấp

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, giai đoạn 2011-2021, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Ông Tuấn cho biết, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2021.

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng phát triển kinh tế, là xu thế của các quốc gia và thế giới. Tuy Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện tăng trưởng xanh thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong thời gian tới, đặc biệt là theo các mục tiêu cụ thể của Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Chúng ta cần phải nhận diện những điểm nghẽn, cơ hội trong thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, đặc biệt là về thể chế và nguồn lực; những giải pháp, khuyến nghị chính sách để triển khai chiến lược, kế hoạch tăng trưởng xanh một cách hiệu quả.

Đánh giá về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ở vị trí khiêm tốn về thu nhập bình quân đầu người cũng như chuyển đổi công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, bà khuyến nghị Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến nguồn lực tài chính và con người trong triển khai kế hoạch nhằm đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải ứng phó với nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.

nguon-luc-tang-truong-xanh-01-1712024170.jpg
Năm 2024, KTNN tiếp tục thực hiện kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023. (Ảnh minh họa)

Qua xem xét quá trình quản lý, sử dụng vốn của Chương trình, KTNN cũng đã chỉ ra một số bất cập về cơ chế, chính sách. Trong đó có bất cập về thời gian hoàn thành các dự án phát triển rừng.

Theo quy định tại Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng tại Quyết định số 1205/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các dự án trồng rừng cần từ 4-5 năm để triển khai các bước: trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, một số dự án phát triển rừng mới được triển khai vào năm 2019, 2020 nên không đủ thời gian hoàn thành trong thời hạn thực hiện Chương trình (từ năm 2016-2020).

Bên cạnh đó, Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT ngày 25/4/2017 của Bộ KHĐT về “Quy định chế độ báo cáo việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công” vẫn còn hiệu lực. Nhưng, nội dung được xây dựng căn cứ vào Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và đến nay đã được thay thế bởi Luật Đầu tư công số 39/2019/QH13.

Cụ thể là một số quy định về thời hạn báo cáo, nội dung báo cáo. Như, thời hạn gửi kế hoạch đầu tư công năm sau theo Luật Đầu tư công 2014 là 31/7, theo Luật Đầu tư công 2019 là 25/8. Hay, nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn bổ sung thêm nội dung quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT đã không còn phù hợp. Do đó, yêu cầu đặt ra cần thiết phải ban hành văn bản thay thế hoặc bãi bỏ.

Để tiếp tục đưa ra những đánh giá toàn diện, sâu sắc, năm 2024, KTNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ninh, Điện Biên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu./.

Trọng Bình