Vai trò, vị trí của doanh nhân trong xã hội (Bài 1)

Thật khó định nghĩa từ “doanh nhân”. Chỉ có thể nhận dạng một cách tương đối rằng đó là từ chỉ một tầng lớp người đang điều hành hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng hóa, thuê mướn và sử dụng lao động thường xuyên từ vài người trở lên.
70d1224854t3453l8-hcm-1642309134.jpg
Ảnh tư liệu

Trong lịch sử phát triển xã hội của loài người, có thể nhận ra một tầng lớp người mà có lúc bị gọi là con buôn, lúc lại là thương nhân, và nay gọi là doanh nhân. Đó là một tầng lớp có một vai trò, vị trí quan trọng, không thể thiếu trong mọi xã hội. Mặc cho có lúc, do nhận thức chưa chuẩn người ta đã phủ nhận vai trò của họ, nhưng vị trí đó vẫn tồn tại một cách khách để duy trì nhu cầu cuộc sống của con người, duy trì sự tồn tại của nền kinh tế.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại và tổ chức xã hội hiện nay, nhu cầu cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của từng cá nhân và của cả cộng đồng xã hội đã cao hơn nhiều so với trước đây. Ngay cả cuộc sống của một người dân bình thường trong một quốc gia phát triển trung bình cũng có thể cao hơn những gì mà giới quý tộc, thậm chí vua chúa ngày xưa thụ hưởng. Do đó đặc tính, khả năng của doanh nhân so với thương nhân hay con buôn trước đây cũng rất khác.

Nếu trước kia, thương nhân chỉ là người có khả năng nhận dạng ra của cải hàng hóa ở nơi thừa để làm nhiệm vụ đáp ứng cho nơi thiếu thì doanh nhân ngày nay là người tạo ra những sản phẩm hàng hóa mới, tạo nên những nhu cầu mới cho xã hội. Họ còn hướng dẫn xã hội dùng hàng hóa đó không những ở khía cạnh công năng, mà còn thụ hưởng cả về cái đẹp cùng những nét văn hóa của sản phẩm. Đôi lúc, trị giá văn hóa (tính ra bằng tiền) của sản phẩm còn lớn hơn nhiều lần so với trị giá của công năng. Những sản phẩm thời trang, sản phẩm tiêu dùng cao cấp là một minh chứng.

Bên cạnh những nhận dạng về doanh nhân thời nay như nêu trên, cần biết làm cách nào để có một tầng lớp doanh nhân đúng tầm vóc. Kinh tế học là môn học cung cấp cho ta những kiến thức về kinh tế, không chỉ cho ta kiến thức về sử dụng tài nguyên, lao động một cách tối ưu, mà còn cung cấp các kiến thức sản xuất - kinh doanh, cách thức sử dụng của cải vật chất, đồng vốn của nhà đầu tư, của xã hội một cách có hiệu quả nhất. Đó là những kiến thức mà doanh nhân nên được trang bị trong nền kinh tế hôm nay.

Để trở thành một doanh nhân thực sự, không phải chỉ học Kinh tế học là đủ, mà còn phải hội đủ nhiều yếu tố quan trọng khác nhau. Theo sự trưởng thành của doanh nghiệp, doanh nhân càng phải thể hiện đầy đủ năng lực và phẩm giá để đủ tầm dẫn dắt doanh nghiệp lớn mạnh.

Trong xã hội chúng ta ngày nay, sự nhìn nhận về người làm nghề kinh doanh còn nhiều điều chưa đúng. Luật lệ quản lý kinh tế cũng còn nhiều hạn chế. Để trở thành doanh nhân thành đạt, vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần phát triển kinh tế quốc gia thì doanh nhân phải biết kinh doanh đúng pháp luật, đúng đạo đức xã hội. Thế nên lượng doanh nhân giỏi, có tầm cỡ của Việt Nam chưa nhiều. Sự thành đạt ở đẳng cấp như thế không phải chỉ cần sự nỗ lực của bản thân doanh nhân, mà còn phải có yếu tố môi trường xã hội, trong đó luật lệ của Nhà nước có tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh hay không là một yếu tố có tính chất quyết định.

Trong tình hình thế giới hiện nay, xây dựng được một đội ngũ doanh nhân yêu nghề, có kiến thức, có tấm lòng với xã hội, có hoài bão với đất nước là một điều mong mỏi của xã hội. Vì đó là lực lượng quan trọng nhất trong công cuộc hội nhập với thế giới để rút ngắn thời gian đưa nước ta vào hàng ngũ những nước phát triển. Đội ngũ này phải được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh công bằng (mọi doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng trong nền kinh tế về quyền tự chủ kinh doanh, được hưởng sự công bằng trong sử dụng vốn xã hội, tài nguyên thiên nhiên...). Có như thế, tài năng của doanh nhân mới có dịp thăng hoa, từ đó họ mới có đủ khả năng cạnh tranh thành công trên thương trường quốc tế, góp phần bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Nếu vẫn còn duy trì tình trạng dành đặc quyền đặc lợi cho một loại hình doanh nghiệp nào đó thì không những làm cho vốn, tài nguyên quốc gia không được sử dụng hiệu quả, mà còn làm hư hỏng một bộ phận trong đội ngũ doanh nhân. Cơ chế quản lý kinh tế xã hội không thể là "xin - cho", buộc doanh nhân phải đáp lại bằng phương thức đút lót để cùng tham gia chia chác cái bánh đặc quyền đặc lợi. Hậu quả của cơ chế "xin - cho" nếu tiếp tục kéo dài sẽ là một thảm họa cho đất nước.

Trong điều kiện toàn cầu hóa như hiện nay, sự cạnh tranh trên thương trường ngày càng phức tạp. Doanh nhân không thể dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước và càng không thể thông qua mối quan hệ với các quan chức để có những đặc quyền đặc lợi. Nguồn lợi nhuận của một doanh nhân chân chính chỉ có thể khai thác bền vững từ những phương châm, biện pháp sau:

- Đầu tư sáng tạo ra sản phẩm mới nhằm đáp ứng được nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của con người. Hình thành ra những nhu cầu mới, thị trường mới trong xã hội. Tạo ra sản phẩm mới, khai thác thị trường mới luôn là mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp. Lợi ích của doanh nghiệp có được từ sự sáng tạo để phục vụ và nâng cao đời sống cho cộng đồng mới là đỉnh cao nghề nghiệp của một doanh nhân.

- Phát hiện, khai thác ra thị trường mới đối với những sản phẩm truyền thống, thông qua các kỹ thuật gia tăng chức năng sản phẩm, tăng sức hấp dẫn về mặt thị hiếu, tăng cường công tác tiếp thị...

- Xem xét sản phẩm của mình đang ở công đoạn nào của chuỗi giá trị của sản phẩm để điều chỉnh phương thức kinh doanh, chọn chuỗi phân khúc giá trị phù hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp. Đồng thời đánh giá các đối tượng canh tranh, nhằm có sách lược liên kết với các đối tượng khác nhau để tìm vị thế có lợi nhất cho sản phẩm của mình.

- Tăng cường lợi ích cho khách hàng bằng các kỹ thuật kinh doanh như chính sách hậu mãi, khuyến mãi...

- Loại bỏ các yếu tố lãng phí, hợp lý hóa sử dụng lao động, tinh gọn hiệu quả bộ máy điều hành... để giảm giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh bằng giá hợp lý, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và cho chính doanh nghiệp.

- Xem xét đề xuất với Nhà nước hợp lý hóa các công cụ luật pháp, các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng trong xã hội, chính sách thuế..., để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Để có thể hỗ trợ doanh nhân thực hiện các biện pháp trên, phải có những tổ chức hiệp hội theo những ngành nghề khác nhau. Đồng thời Nhà nước phải tổ chức các cơ quan xúc tiến kinh doanh "bán dân lập" như tổ chức Kotra của Hàn Quốc, Cetra của Đài Loan... để hỗ trợ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới dễ dàng hơn, giúp họ cải tiến sản phẩm, xây dựng kênh thông tin kịp thời về giá cả hàng hóa trên thế giới, tổ chức đào tạo đội ngũ chuyên môn phục vụ cho công tác kinh doanh.

Có như vậy, đội ngũ doanh nhân nước ta mới có điều kiện trưởng thành. Những tổ chức nêu trên đã là những lực lượng nòng cốt hỗ trợ tích cực cho đội ngũ doanh nghiệp của bốn con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore) trong 50 năm qua mà chúng ta cần học tập./.

Phan Chánh Dưỡng