
Phát huy tiềm năng đặc sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản chủ lực, đồng thời cụ thể hóa chủ trương liên kết vùng giữa Hải Dương và Hải Phòng trong bối cảnh tái tổ chức đơn vị hành chính, ngày 6/6, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Công ty TNHH MTV rau củ quả Thanh Hà tổ chức trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm vải thiều Thanh Hà tại siêu thị GO!, TP Hải Phòng.
Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược xúc tiến thương mại nông sản, đặc biệt là đối với đặc sản vải thiều Thanh Hà – niềm tự hào nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Sự kiện không chỉ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa mà còn khẳng định sự đồng hành mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và liên kết chặt chẽ giữa sản xuất – tiêu dùng – chế biến.
Năm 2025, tỉnh Hải Dương có khoảng 8.800 ha diện tích trồng vải, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà (3.285 ha) và TP Chí Linh (3.400 ha). Trong đó, khoảng 2.850 ha là vải sớm, 5.850 ha là vải chính vụ. Dự kiến tổng sản lượng toàn tỉnh đạt 60.000 tấn, riêng huyện Thanh Hà khoảng 38.000 tấn – tiếp tục giữ vững vai trò là vùng trọng điểm sản xuất vải thiều của khu vực đồng bằng sông Hồng.
Công tác tổ chức sản xuất vải được chú trọng theo hướng an toàn, bền vững, với hơn 720 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Đặc biệt, việc hình thành và phát triển các vùng trồng vải chất lượng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc kết nối với các hệ thống phân phối hiện đại, tiến tới xuất khẩu.

Tăng cường liên kết vùng, phát triển chuỗi giá trị nông sản
Với sự chủ động vào cuộc của các sở, ngành và chính quyền địa phương, hoạt động tiêu thụ vải thiều năm nay được đẩy mạnh tại TP Hải Phòng – trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực và cũng là địa phương dự kiến sáp nhập với tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Đáng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi phối hợp trực tiếp đưa vải thiều Thanh Hà vào hệ thống siêu thị GO! tại Hải Phòng với sản lượng dự kiến 1 tấn/ngày. Các sản phẩm cũng được đa dạng hóa như sữa chua vải, bánh kem vải nhằm tiếp cận nhiều đối tượng tiêu dùng hơn.”
Việc hỗ trợ chi phí vận chuyển từ huyện Thanh Hà đến các điểm bán lẻ tại Hải Phòng giúp giữ giá bán ổn định ở mức hợp lý (29.000 đồng/kg), tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận nông sản chất lượng cao với giá cả phải chăng.
Cùng với đó, Sở Công Thương TP Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành – gồm Sở NN&MT, Sở Y tế, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động… nhằm tuyên truyền, kết nối tiêu thụ không chỉ vải thiều mà còn cả các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.

Dự kiến, cuối tháng 6, đặc sản vải thiều và các sản phẩm OCOP sẽ được giới thiệu trong 10–12 gian hàng tại đại siêu thị Aeon Mall Hải Phòng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất được hỗ trợ miễn phí trưng bày sản phẩm, qua đó tạo điều kiện tiếp cận thị trường nội đô lớn một cách hiệu quả.
Việc đưa vải thiều Thanh Hà vào các hệ thống phân phối hiện đại tại Hải Phòng là bước đi cụ thể trong thực hiện Nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời, đây cũng là minh chứng sinh động cho hiệu quả của mô hình liên kết “4 nhà” – Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông – trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền hai địa phương, cùng sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân và người dân, liên kết vùng Hải Dương – Hải Phòng sẽ tiếp tục là hình mẫu trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản vùng đồng bằng sông Hồng, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và khẳng định vị thế sản phẩm Việt trên thị trường trong nước và quốc tế./.