Ứng phó và giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi khoản kinh phí hàng nghìn tỷ USD

Lãnh đạo các nước tham dự COP29 diễn ra vào tháng 11 tới tại Azerbaijan cho biết việc huy động "hàng trăm tỷ USD" là mục tiêu khả thi để các nước đạt được đồng thuận. Trước đó, các nước phát triển đã cam kết cung cấp khoản tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc giải quyết các nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi khoản kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ USD. Tuy vậy, lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra vào tháng 11/2024 ở Azerbaijan cho biết việc huy động "hàng trăm tỷ USD" là mục tiêu khả thi để các nước đạt được đồng thuận.

tai-tro-ung-pho-bien-doi-khi-hau-1-1729042571.jpg
Các nước đang phát triển cho biết họ cần khoản tài chính lớn hơn để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu và cắt giảm lượng khí thải bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà đàm phán sẽ họp tại Thủ đô Baku (Azerbaijan) vào tháng 11/2024 để thống nhất về mục tiêu tài trợ mới để thay thế cam kết hiện tại. Trước đó, các nước phát triển đã cam kết cung cấp khoản tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Trưởng nhóm đàm phán COP29, ông Yalchin Rafiyev, tại hội nghị trù bị trước thềm COP29 vào tuần trước, các bên tham gia đã lần đầu tiên nhất trí cho rằng nhu cầu cho hoạt động chống biến đổi khí hậu lên tới hàng nghìn tỷ USD. Nhưng ông Yalchin Rafiyev cho rằng mục tiêu thực tế mà các quốc gia có thể cung cấp và huy động chỉ khoảng "hàng trăm tỷ USD."

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các thảm họa tự nhiên, các nước đang phát triển cho biết họ cần khoản tài chính lớn hơn để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu và cắt giảm lượng khí thải bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và năm 2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Các nhà khoa học khuyến cáo mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 1,5 độ C đang nhanh chóng vượt khỏi tầm với nếu các nước không có hành động mạnh mẽ hơn.

tai-tro-ung-pho-bien-doi-khi-hau-2-1729042548.jpg
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các thảm họa tự nhiên, các nước đang phát triển cần khoản tài chính lớn hơn để thích ứng. (Ảnh minh họa)

COP thường niên là nơi các đại diện chính phủ cùng họp bàn và đánh giá những nỗ lực toàn cầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, với mục tiêu then chốt là khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C.

Theo dự kiến, hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự COP29 ở Baku. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Nhiệm vụ chính của hội nghị lần này là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hàng năm mà các nước giàu sẽ cung cấp để hỗ trợ những nước nghèo hơn ứng phó biến đổi khí hậu.

Trước đó, báo cáo của World Weather Attribution cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra mưa lớn gây lũ lụt, như trận lụt nghiêm trọng xảy ra gần đây ở Trung Âu.

Trận lũ lụt tồi tệ nhất tấn công Trung Âu trong ít nhất hai thập kỷ qua đã khiến hàng chục người thiệt mạng, gây ngập úng tại nhiều thị trấn, làm hư hại nhiều tòa nhà và cầu đường, buộc các chính phủ phải chi hàng tỷ USD cho công tác sửa chữa và khắc phục hậu quả.

tai-tro-ung-pho-bien-doi-khi-hau-3-1729042640.jpg
Triển khai dự án: Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam - tỉnh Bình Định" do Chính phủ Canada tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). (Ảnh minh họa)

World Weather Attribution là tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới. Nhà nghiên cứu Joyce Kimutai tại Viện Grantham thuộc trường Imperial College London (Anh) khuyến cáo những trận lũ nghiêm trọng vừa qua làm nổi bật hậu quả tàn khốc của hiện tượng nóng lên toàn cầu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cho đến khi dầu mỏ, khí đốt và than đá được thay thế bằng năng lượng tái tạo, những cơn bão như Boris dự báo sẽ gây ra lượng mưa lớn hơn, dẫn đến lũ lụt có nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế.

Bão Boris đã hoành hành nhiều nước ở khu vực Trung và Đông Nam Âu trong tháng 9/2024, gây ra lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua ở nhiều nước.

Mặc dù các yếu tố thời tiết gây ra cơn bão - bao gồm không khí lạnh từ dãy Alps và không khí ấm từ Địa Trung Hải và Biển Đen - là bất thường, nhưng biến đổi khí hậu đã làm cho những cơn bão này trở nên dữ dội hơn và có khả năng xảy ra thường xuyên hơn./.

Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lập trường của mình trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vào tháng tới, trong khi vẫn để ngỏ một vấn đề quan trọng là bằng cách nào có thể tăng cường tài trợ cho các nước nghèo hơn trong cuộc chiến đẩy lùi tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Hội nghị diễn ra tại Baku (Azerbaijan) có một mục tiêu rõ ràng là đưa số tiền tài trợ cho hành động khí hậu từ hàng tỷ USD lên thành hàng nghìn tỷ USD đồng thời giúp các nước bắt tay vào quá trình chuyển đổi các tài sản, hoạt động và mô hình hoạt động hướng tới trung hòa khí thải và đối phó với thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Theo kết luận từ Hội đồng châu Âu, các nước EU đã nhất trí rằng việc mở rộng cơ sở tài trợ của các quốc gia là điều kiện tiên quyết cho mục tiêu tài trợ khí hậu mới đầy tham vọng sau năm 2025.

Lập trường này phản ánh sự lớn mạnh về năng lực kinh tế tương ứng và tỷ lệ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu ngày càng tăng kể từ đầu những năm 1990.

EU sẽ sẵn sàng thực hiện các cam kết đóng góp tài chính vào năm ngoái trước khi diễn ra COP29 từ ngày 11-22/11.

Trong các cuộc đàm phán ngày 14/10, các bộ trưởng môi trường chủ yếu tập trung vào vai trò của năng lượng hạt nhân và những điểm nhấn cần đặt vào kế hoạch cắt giảm 90% lượng khí thải vào năm 2040 của khối, dự kiến sẽ chính thức được đưa ra vào năm tới.

Bình Châu