Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý lượng lớn dữ liệu y tế, cho phép chẩn đoán chính xác hơn và lập kế hoạch điều trị tối ưu hóa. Những tiến bộ và đổi mới trong ứng dụng di truyền, y học cá nhân hóa, y tế từ xa và phát triển AI đã thay đổi cách điều trị bệnh nhân.
1-1717156799.jpg
Hội thảo khoa học “Ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh” diễn ra ngày 31/5/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhằm xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, qua đó thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo vào việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Đồng thời, thông qua sự hướng dẫn, cố vấn của các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm nhằm mục tiêu xây dựng một đội ngũ nghiên cứu có năng lực; chia sẻ các sản phẩm nghiên cứu mới nhất, những ứng dụng tiềm năng và trao đổi học thuật giữa các chuyên gia, bác sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên từ các Bệnh viện, Viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, Doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; hình thành cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế góp phần ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào lĩnh vực y tế. Ngày 31/5/2025, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh”. 

Sau 2 tháng triển khai Ban tổ chức đã nhận về 43 bài tham luận đến từ 32 đơn vị là các bệnh viện, trường Đại học, Học viện trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trong đó có 13 đơn vị ngoài Thành phố. 

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. BS. Võ Thành Toàn - Phó giám đốc bệnh viện Thống Nhất cho biết: “AI có thể được ứng dụng ở mọi giai đoạn của việc chăm sóc sức khỏe, từ nghiên cứu, chẩn đoán đến điều trị. Hình ảnh y học chính là lĩnh vực tiên phong của việc ứng dụng AI, vì tính chất luôn phải lặp đi lặp lại khi xử lý và đánh giá chúng. AI có thể cải thiện chất lượng hình ảnh, đồng thời hỗ trợ xử lý và phân tích hình ảnh y học. AI sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều hơn trong lĩnh vực siêu âm tim. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, AI có thể nhận dạng các mặt cắt siêu âm khác nhau, phân đoạn các cấu trúc tim, ước tính phân suất tống máu và chẩn đoán các bệnh như amyloidosis”.

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý khó khăn, phức tạp hàng đầu về chẩn đoán. Do đó, việc tích hợp số lượng lớn các hình ảnh, thông tin chẩn đoán cận lâm sàng với tốc độ nhanh chóng và độ chính xác cao sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng đưa ra các chẩn đoán và hướng điều trị chính xác, hiệu quả. Vì vậy, AI được nghiên cứu ứng dụng nhằm tự động tổng hợp, phân tích với tốc độ siêu nhanh, tối ưu thời gian và hiệu quả chẩn đoán. 

2-1717156844.jpg
Các diễn giả, chuyên gia y tế chia sẻ thông tin ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh tại Hội thảo.

PGS. TS. Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng nổi bật trong mọi lĩnh vực toàn cầu và lĩnh vực y tế cũng không ngoại lệ. Nhờ sức mạnh to lớn của trí tuệ nhân tạo, rất nhiều ứng dụng AI trong y tế đã ra đời để giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện, cải thiện trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc lâm sàng. Ứng dụng của AI trong y tế ngày một rộng rãi, hứa hẹn mang lại những điểm tích cực trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các khu vực khó tiếp cận như nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề khan hiếm bác sĩ mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong ngành y tế”.

Y tế hay chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực đang được quan tâm và chú trọng bậc nhất trong bối cảnh dữ liệu lớn (Big Data) có thể tạo nên những tác động mang tính cách mạng. Việc ứng dụng AI vào phân tích và sử dụng dữ liệu y tế có thể coi là vấn đề sống còn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người trên toàn cầu mỗi ngày.  

TS. BS. Phạm Thái Hưng - Trưởng Khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết: “AI hoàn toàn có thể hỗ trợ bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác trong công việc hằng ngày. Rộng hơn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nâng cao dịch vụ chăm sóc phòng ngừa và chất lượng cuộc sống bằng việc đưa ra các chẩn đoán và kế hoạch điều trị chính xác hơn và hiệu quả hơn cho bệnh nhân. AI hoàn toàn có thể đóng một vai trò quan trọng trong y tế công cộng toàn cầu bằng việc dự đoán và theo dõi sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thông qua phân tích dữ liệu từ chính phủ, cơ quan y tế, từ đó trở thành cánh tay đắc lực chống lại dịch bệnh và đại dịch”.

3-1717156888.jpg
Ban tổ chức tặng hoa, tri ân các diễn giả tại Hội thảo.

Trên cương vị Trưởng Module Dự án học thuật Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, TS.BS. Phạm Lê Duy chia sẻ: “Sự phát triển vũ bão của công nghệ tạo ra sự gia tăng không ngừng về lượng thông tin y tế cần tiếp cận. Đáng chú ý, lượng thông tin y khoa đang tăng gấp đôi sau 3 năm, đặt ra một thách thức không nhỏ đối với các chuyên gia y tế trong việc cập nhật kiến thức mới. Theo ước tính, một bác sĩ muốn “đọc hết” thông tin y khoa sẽ cần dành tới 29 giờ mỗi ngày”.

“Sự gia tăng không ngừng của nguồn dữ liệu lớn cùng với dữ liệu về xã hội học và lối sống, đều là những nguồn thông tin quý báu nhưng không thể khai thác hiệu quả nếu không được phân tích toàn diện. Trước thách thức này, việc sử dụng hiệu quả AI được xem như là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để đương đầu với khối lượng thông tin khổng lồ trong lĩnh vực y tế”, TS.BS. Phạm Lê Duy chia sẻ thêm.

Hội thảo khoa học “Ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh” có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực Y tế, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, giúp chia sẻ các nghiên cứu, ứng dụng mới nhất trong lĩnh vực y tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này./.

Đạm Quang Lê