Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả là rất cần thiết
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả; phần mềm truy xuất nguồn gốc là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, các giải pháp này thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hàng hóa chất lượng.
Trong khi đó, người tiêu dùng cũng ý thức hơn việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời cho biết, hiện nhiều giải pháp số đã được áp dụng như các phần mềm chống hàng giả, các mã sản phẩm QR code riêng biệt…
"Bằng các công nghệ mới và sau nhiều lần nghiên cứu, Hiệp hội cũng đưa ra được tìm ra rất nhiều giải pháp năm 2024 giờ chúng tôi đã chốt lại một giải pháp mang tên của Hiệp hội, bên cạnh quét mã QR code là để truy xuất nguồn gốc, chúng tôi có cả phần mềm chống giả, chúng tôi có giải pháp chống hàng giả theo công nghệ số" - ông Sinh cho biết.
Nhiều doanh nghiệp cũng xác định, sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và là tài sản giá có trị đặc biệt của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp coi trọng sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội xác định, cần ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu trong thời đại công nghệ số.
Theo đó, Hiệp hội đã ra mắt phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và chống giả VatapCheckVN. Phần mềm thể hiện quy trình xác thực chống hàng giả - một giải pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chống giả điện tử.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xử lý hành vi xâm phạm
Theo ông Trần Đức Đông, Phó văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết, số vụ việc phát hiện và xử lý về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý tăng dần qua các năm.
Năm 2020 các lực lượng chức năng trong toàn quốc phát hiện và xử lý 3.641 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trong tổng số 191.467 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chiếm tỷ lệ 1,9%.
Năm 2021 phát hiện xử lý 2.299 vụ/138.077 vụ buôn lậu, gian lận thương mại chiếm tỷ lệ 1,6%; năm 2022 là 3692 vụ/139.758 vụ (chiếm 2,6%). Năm 2023 là 5.464 vụ/146.678 vụ (chiếm 3,7%); 9 tháng đầu năm 2024 là 4.301 vụ/103.680 vụ (chiếm tỷ lệ 4,1%).
Kết quả này thể hiện sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, lực lượng chức năng, cơ quan, tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành nghề trong đó có vai trò của VATAP.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (cụ thể những chính sách đã và đang thực hiện kể trên).
Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao chủ động công tác nắm tình hình, nhận diện những vấn đề nổi cộm phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc (về quy định của pháp luật, cơ chế phối hợp và các điều kiện khác), kiến nghị sửa đổi, bổ sung thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ số, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức đảm bảo nội dung, chất lượng tuyên truyền.
Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cán bộ thực thi, bổ sung kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chính sách an sinh xã hội để giải quyết công ăn việc làm cho cư dân biên giới, vùng sâu, vùng xa, hạn chế tối đa việc bị lợi dụng, lôi kéo vào buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả./.